Kinh tế

'Cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương'

Bộ Công Thương đã quyết định bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục. Đây được xem là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ năm 2017. Theo đó, Bộ này bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thủ tục thuộc phạm vi Bộ quản lý.

"Đây được xem là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương nhiều năm nay", quyết định nêu.

Các lĩnh vực đơn giản hoá gồm kiểm tra chất lượng thép sản xuất, nhập khẩu (5 thủ tục), thương mại quốc tế (3 thủ tục), công nghiệp nặng (2 thủ tục), sản xuất kinh doanh thuốc lá (6 thủ tục), kinh doanh khí (18 thủ tục), kinh doanh rượu (19 thủ tục), xăng dầu (15 thủ tục), an toàn thực phẩm (12 thủ tục), xuất nhập khẩu (8 thủ tục), xúc tiến thương mại (5 thủ tục)...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ảnh: Hoàng Hà.

Đáng chú ý, với lĩnh vực thương mại quốc tế, Bộ quyết định doanh nghiệp FDI không phải làm thủ tục xin quyền xuất khẩu, nhập khẩu; mở rộng quyền bán buôn các mặt hàng là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Quyền phân phối bán buôn chỉ giới hạn trong phạm vi một số ngành hàng nhất định thuộc danh mục do Bộ Công Thương ban hành...

Bộ Công Thương khẳng định tiếp tục rà soát, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính của ngành. Mục đích là để phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận thủ tục hành chính.

Trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định lấy ý kiến về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trong Bộ Công Thương. Theo đó, Tổng cục Năng lượng tách thành một cục và hai vụ. Vụ Thị trường thương mại miền núi nhập vào Vụ Thị trường trong nước. Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng nhập thành Cục Công nghiệp. Vụ Tài chính tách một phần về Vụ Kế hoạch, một phần về Vụ Đổi mới phát triển doanh nghiệp.

Vụ Phát triển nguồn nhân lực sẽ nhập lại về Vụ tổ chức cán bộ. Vụ Thi đua khen thưởng và Cục Công tác phía Nam nhập về thuộc Văn phòng Bộ Công Thương.

Các Vụ KV1, KV2, KV3, KV4 nhập lại thành hai Vụ châu Âu, Mỹ và Á Phi; Vụ Hợp tác Quốc tế nhập về hai Vụ Á, Phi và Âu Mỹ. Hai viện nghiên cứu (Thương mại và Chính sách công nghiệp) nhập thành một viện.

Đồng thời, Bộ cũng thành lập thêm Cục Phòng vệ thương mại cho phù hợp xu thế hội nhập. Nâng cấp thành lập Tổng cục Quản lý thị trường từ Cục Quản lý thị trường.

Tác giả bài viết: Kiều Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok