Thế giới

'Cánh tay phải' gây nhiều tranh cãi của Donald Trump

Chiến lược gia Steven Bannon của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể gây phản ứng trong dư luận Mỹ về lập trường dân tộc chủ nghĩa.

Chuyên gia truyền thông Steven Bannon và tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Politic US


Việc tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bổ nhiệm giám đốc tranh cử Steven Bannon vào vị trí cố vấn cấp cao, chiến lược gia trưởng trong bộ máy chính quyền mới bị nhiều người cho là sự lựa chọn gây chia rẽ nội bộ nước Mỹ, theo New York Times.

Bannon được đánh giá là người có vai trò rất quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Trump. Được bổ nhiệm làm giám đốc chiến dịch tranh cử vào giữa tháng 8/2016, ông này đã giúp tỷ phú giành được chiến thắng áp đảo trước bà Hillary Clinton, người luôn dẫn trước Trump trong các cuộc thăm dò trước bầu cử.

Trước đó, Bannon là chủ tịch điều hành của Breitbart News, trang tin được đánh giá có quan điểm bảo thủ vượt xa Fox News, sau khi nhà sáng lập trang tin này qua đời.

Ngay sau khi được bổ nhiệm, bất chấp thực tế bất lợi khi hầu hết các tờ báo lớn của Mỹ đều ủng hộ ra mặt nữ ứng viên của đảng Dân chủ, Bannon nhanh chóng bắt tay xây dựng một chiến lược quảng bá hình ảnh cho ông Trump theo phong cách riêng biệt.

Bannon sử dụng Breitbart News để truyền bá những luồng quan điểm mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa, vốn đang manh nha hình thành trong một số cộng đồng cử tri Mỹ.

Bình luận viên Brian Knight nhận định trong bối cảnh truyền thông xã hội và các phương tiện truyền thông phi truyền thống bùng nổ mạnh mẽ, việc báo chí Mỹ dành sự ủng hộ lớn cho bà Clinton không có tác dụng đáng kể trong việc tác động đến tâm lý cử tri nước này.

Theo các chuyên gia của Les Inroks, đa số những cử tri Mỹ thuộc tầng lớp bình dân đang có nguyện vọng muốn thay đổi. Chính vì thế, theo tâm lý, họ sẽ tìm đến những hiện tượng và xu hướng mới mẻ, khác biệt thay vì quan tâm tới những nội dung do báo chí truyền thống đưa ra.

"Với lượng lượt người xem mỗi tháng khoảng 240 triệu, trang thông tin bảo thủ Breitbart News đang thực sự trở thành một thế lực mới trong truyền thông Mỹ", New York Times nhấn mạnh.

Ngoài đầu óc chiến lược sắc sảo, Bannon còn được đánh giá có tư duy chiến thuật ngắn hạn khá nhạy bén và linh hoạt.

Trong bối cảnh đứng trước nhiều sức ép, khi những hồ sơ thuế của ông Trump bị New York Times công khai, chính ông Bannon tư vấn cho tỷ phú tổ chức họp báo với ba phụ nữ tố cáo bị cựu tổng thống Bill Clinton lạm dụng tình dục ngay trước cuộc tranh luận thứ hai với bà Hillary Clinton ngày 9/10.

Động thái bất ngờ này đã giúp ông Trump tạo được hiệu ứng tâm lý khá tích cực, khiến ông giữ được phần nào thế chủ động để liên tục công kích đối thủ trong 90 phút tranh luận sau đó.

Ảnh hưởng của phong trào dân tộc chủ nghĩa

Bình luận viên Jeremy W. Peters nhận định với chức vụ ngang hàng với các nhân vật cấp cao trong chính phủ, có quyền hủy bỏ hoặc đình chỉ các chiến lược quan trọng, Bannon sẽ là "tay trong" của phong trào dân tộc chủ nghĩa tại Nhà Trắng.

Bannon không xuất thân từ nền chính trị hay hệ tư tưởng thông thường mà theo hình mẫu của đảng Cộng Hòa trong một vài thập kỷ trở lại đây. Ông cũng không phải là một thành phần bảo thủ tôn giáo, chuyên tập trung vào các vấn đề xã hội.

Động cơ chính trị của Bannon chính là sự căm ghét trước thái độ "coi thường" dân thường của giới lãnh đạo và tầng lớp tinh hoa Mỹ hiện nay. Theo lập trường của Bannon, ông Donald Trump xứng đáng nhận được sự tôn trọng khi đã hình thành một phong trào chính trị lớn tại Mỹ.

Bannon giải thích rằng thất bại của bà Hillary Clinton là hậu quả từ thái độ ngạo mạn của tầng lớp tinh hoa. Ông thường so sánh quá trình trỗi dậy chính trị của ông Trump với trường hợp Tổng thống thứ 7 của nước Mỹ Andrew Jackson, một vị tướng quân đội, người được coi là anh hùng của phong trào chủ nghĩa dân túy.

Ông Bannon được coi là người ủng hộ hết mình nhiều chính sách quyết liệt nhất của Trump, trong đó bao gồm việc chặn đứng làn sóng tị nạn từ Syria, trục xuất người nhập cư không có giấy tờ, có tiền án và tập trung hơn cho việc giữ vững biên giới.

"Chúng ta không được bọc đường cho một thực tế rằng một người đàn ông da trắng theo chủ nghĩa dân tộc đã được bổ nhiệm làm chiến lược gia chính trong chính quyền Trump", ABC News dẫn tuyên bố của lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm thứ hai.

"Việc đề bạt Steve Bannon lên một trong những vị trí cao nhất trong Nhà Trắng đã đưa người đàn ông với những tư tưởng nguy hiểm và cực đoan đến cách Phòng Bầu dục chỉ vài bước", Thượng nghị sĩ Cory Booker cảnh báo.

Việc bổ nhiệm ông Bannon không chỉ làm dấy lên tâm lý giận dữ từ đảng Dân chủ, mà còn khiến một số thành viên đảng Cộng hòa theo quan điểm trung dung cảm thấy bất bình. "Tư tưởng cực hữu và phân biệt chủng tộc đang ở trước ngưỡng cửa của phòng Bầu Dục. Nước Mỹ từ nay cần phải thận trọng và cảnh giác trong bất cứ quyết định nào", John Weaver, thành viên đảng Cộng hòa, cố vấn thống đốc bang Ohio, nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok