Thế giới

'Bình mới rượu cũ' và câu chuyện châu Á 2017

Bất ổn và khó đoán là nhận định được các chuyên gia chia sẻ với Zing.vn về tình hình châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2017.

Quan hệ Mỹ - Trung sẽ có những diễn biến mới sau khi ông Donald Trump trở thành ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng.
Trong khoảng hai thập niên trở lại đây, nhiều học giả trên thế giới đã lạc quan khẳng định rằng thế kỷ 21 sẽ là "Thế kỷ châu Á" hay "Thế kỷ Thái Bình Dương" khi đánh giá vai trò và triển vọng phát triển của khu vực này.

Tuy nhiên, thực tế khắc nghiệt đang đặt ra cho khu vực nhiều nguy cơ và thách thức cần xử lý. Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2017 sẽ chứng kiến cạnh tranh Mỹ - Trung gay gắt hơn, chạy đua vũ trang gia tăng, các điểm nóng ngày càng phức tạp, và "Thế kỷ châu Á" sẽ vẫn là tương lai xa vời.

1. Mỹ tiếp tục duy trì vị thế

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute), Singapore, việc Donald Trump đắc cử tổng thống ít nhiều tạo ra sự bất định cho chính sách đối ngoại của Washington và tình hình châu Á - Thái Bình Dương, song Mỹ sẽ tiếp tục duy trì vị thế số 1 tại khu vực này.

Trong quá trình tranh cử, tỷ phú 70 tuổi từng tuyên bố không muốn Mỹ can dự vào các khu vực xa xôi mà không có lợi ích rõ ràng. Những phát ngôn của tổng thống tân cử cho thấy có vẻ ông sẽ rời xa chiến lược "tái cân bằng" của người tiền nhiệm Obama.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, dự đoán: "Chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Trump dù không còn là 'xoay trục' hay 'tái cân bằng' thì bản chất không thay đổi của nó vẫn sẽ là bảo vệ lợi ích Mỹ".

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tranh cử với khẩu hiệu "Hãy đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại". Ảnh: CNN.
Trong khi Trung Đông, châu Âu đang hỗn loạn, Mỹ Latin và châu Phi chưa thể trở thành những "mảnh đất" đem lại nhiều giá trị, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là nơi mà Mỹ có nhiều lợi ích nhất.

Nơi đây vừa là trung tâm kinh tế toàn cầu, vừa là khởi nguồn của nhiều thách thức như Trung Quốc, đối thủ tiềm tàng của Washington, đang ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt hay Triều Tiên ngày càng chứng tỏ quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân.

Châu Á - Thái Bình Dương cũng là nơi Mỹ có nhiều đồng minh lâu năm và đối tác quan trọng. Do vậy, nhìn từ cả góc độ lợi ích cũng như góc độ lịch sử quan hệ, Washington không thể ngó lơ khu vực nếu muốn đảm bảo an ninh cũng như vị thế cường quốc số 1 thế giới.

2. Cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt

"Để củng cố vị thế số một của mình ở khu vực, việc nước Mỹ dưới chính quyền của ông Trump va chạm và thách thức sức mạnh của Trung Quốc trở thành điều không thể tránh khỏi", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đánh giá.

Một số tuyên bố của tổng thống đắc cử "về vấn đề Đài Loan, Biển Đông,... hay việc ông bổ nhiệm một số nhân vật có thiên hướng chống Trung Quốc vào chính quyền có thể là chỉ dấu cho điều đó".

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore. Ảnh: NVCC.
Đối với Châu Á - Thái Bình Dương, điều này đồng nghĩa với tình hình khu vực có thể trở nên căng thẳng hơn khi nơi đây đang chịu sự hiện diện và chi phối ngày càng lớn của Trung Quốc.

Tiến sĩ Trần Việt Thái cho hay Bắc Kinh đang chứng tỏ nước này "sẵn sàng phá vỡ nguyên trạng và các quy tắc trong trường hợp cần thiết bằng hành động quân sự hóa và tập trận trên biển Đông".

Các chuyên gia đều nhận định với Zing.vn rằng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung sẽ gia tăng trong thời gian tới, bởi Washington không muốn bị Bắc Kinh thách thức vị trí số một ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầy tiềm năng.

3. Các điểm nóng diễn biến phức tạp hơn

Bán đảo Triều Tiên đang là điểm nóng nhất tại châu Á - Thái Bình Dương. Theo một số thông tin tình báo của các nước, sau 2 vụ thử hạt nhân năm 2016, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thử hạt nhân lần thứ 6 thời gian tới.

Điểm nóng vốn dĩ tiềm ẩn nhiều nguy cơ này càng trở nên khó lường trong bối cảnh chính trường Hàn Quốc đang rối ren sau bê bối chính trị của Tổng thống Park Geun-hye liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil.

Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao. Ảnh: Duy Hiếu
Tiến sĩ Trần Việt Thái dự đoán eo biển Đài Loan cũng khó mà "yên tĩnh" như trước đây. Việc bà Thái Anh Văn, lãnh đạo mới của Đài Loan, và tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đều có cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc có thể phá vỡ trạng thái quan hệ giữa Bắc Kinh, Đài Bắc và Washington.

Các điểm nóng sẽ diễn biến phức tạp hơn trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ trang và chi tiêu quân sự ở khu vực ngày càng leo thang. Tình hình này báo hiệu nguy cơ các nước sẽ bị lôi cuốn vào việc sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, thay vì dựa vào luật pháp quốc tế.

4. Biển Đông sắp kết thúc thời kỳ 'lắng dịu'

"Kể từ sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc hồi tháng 7/2016, Bắc Kinh đã cố gắng kiềm chế các hành động của mình trên Biển Đông nhằm giảm bớt áp lực quốc tế đối với việc thực thi phán quyết", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp chia sẻ.

Ngoài ra, do đã cơ bản xây dựng xong các đảo nhân tạo nên Bắc Kinh cần sự tĩnh lặng nhằm âm thầm quân sự hóa các vị trí này, tránh gây ra sự chú ý và chỉ trích từ quốc tế. Điều này ít nhiều tạo nên bầu không khí có vẻ lắng dịu trên Biển Đông.

Các công trình trái phép trên đá Chữ Thập. Ảnh: CSIS/AMTI.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định đây nhiều khả năng chỉ là sự điều chỉnh ngắn hạn của Trung Quốc, phù hợp với mẫu hình của chiến lược "lát cắt salami" mà nước này theo đuổi lâu nay.

"Lát cắt salami" là chiến lược chiếm dần từng đảo đến khi đoạt toàn bộ Biển Đông. Theo mô hình này, "thời kỳ căng thẳng dâng cao thường được kế tiếp bằng một giai đoạn lắng dịu trước khi bước vào một đợt căng thẳng mới".

"Trong năm 2017, có khả năng Trung Quốc sẽ có những động thái mới nhằm củng cố các yêu sách của mình". Tiến sĩ Hiệp cho biết.

Kịch bản này càng nhiều khả năng diễn ra hơn nếu Bắc Kinh nhìn nhận các động thái của chính quyền mới của Mỹ mang tính thù địch và thách thức lợi ích của nước này trên Biển Đông.

5. Nốt trầm trong hợp tác khu vực

Không thể phủ nhận tự do thương mại là một xu hướng tất yếu của hội nhập quốc tế. Nhưng châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ chứng kiến bước thụt lùi trong vấn đề này giai đoạn tới.

Số phận của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một dấu hỏi lớn, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) khó có thể hoàn thành sớm, Hiệp định Tự do thương mại Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) do Trung Quốc đề xuất chỉ đang ở giai đoạn sơ khai. Điều này báo hiệu hợp tác kinh tế đa phương ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị chững lại trong năm 2017.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng các nước trong khu vực sẽ gặp thách thức trong "việc duy trì động lực hội nhập kinh tế quốc tế khi mà làn sóng chống toàn cầu hóa, chống tự do thương mại đang ngày càng được củng cố và lan rộng trên thế giới".

"2017 sẽ là một năm buồn với nhiều nốt trầm về hội nhập khu vực của châu Á - Thái Bình Dương", Tiến sĩ Trần Việt Thái nhận định.

Chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Trump dù không còn là "xoay trục" hay "tái cân bằng" thì bản chất không thay đổi của nó vẫn sẽ là bảo vệ lợi ích Mỹ
Tiến sĩ Trần Việt Thái
Trong năm 2017, có khả năng Trung Quốc sẽ có những động thái mới nhằm củng cố các yêu sách của mình
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
2017 sẽ là một năm buồn với nhiều nốt trầm về hội nhập khu vực của châu Á - Thái Bình Dương
Tiến sĩ Trần Việt Thái

Tác giả bài viết: Thế Long - An An

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok