Kinh tế

Xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng chứa nhiều yếu tố rủi ro

Xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam tăng đột biến trong 9 tháng qua, tuy nhiên chứa nhiều yếu tố rủi ro về gian lận thương mại.

Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng nay (30/10), TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại biểu đoàn Thái Bình) cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ Trung xảy ra, nhiều chuyên gia đã dự báo rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi và Việt Nam sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế thế giới. Thế nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại. “Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại biểu đoàn Thái Bình)

Theo TS Vũ Tiến Lộc, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018 và chỉ còn bằng 1/2 tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4 %, bằng khoảng 1/3 mức tăng trên 20% của những năm trước đó.

Cơ cấu xuất khẩu cho thị trường cũng có những chuyển dịch bất lợi như xuất khẩu sang nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc, duy nhất xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro về gian lận thương mại, thâm hụt thương mại.

“9 tháng chúng ta xuất khẩu sang Mỹ gần 45 tỷ USD, tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái và Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ. Trong khi hiện nay, hầu hết các quốc gia này đều bị Mỹ trừng phạt, thì ai có thể bảo đảm rằng chúng ta là ngoại lệ?”, TS Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi.

Khả năng duy trì xuất khẩu một thị trường lớn nhất trên thế giới chiếm đến 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, do vậy trở nên rất khó, bức tranh về đầu tư nước ngoài cũng chẳng sáng sủa hơn.

“9 tháng, đầu tư nước ngoài có dấu hiệu nhích lên nhưng lại giảm tốc ở hai đầu nguồn quan trọng đóng vai trò dẫn dắt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan từ Trung Quốc bao gồm Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông, vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển theo hướng này cũng phát đi một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng về FDI và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của nước ta”, ông Vũ Tiến Lộc phân tích.

“Những chỉ báo trên đây cho thấy để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8% đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới là rất gian nan và động lực chính để tăng trưởng nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Lộc cho hay.

Vấn đề này báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đã chỉ ra rằng 3 năm liên tiếp, nguồn thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp nguồn trông đợi nhất của nền kinh tế và cũng là chỉ báo quan trọng nhất thể hiện tính bền vững của ngân sách quốc gia đã không đạt kế hoạch, thể hiện cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Ông Lộc cũng cho rằng, các nước trên thế giới đã đua nhau hạ lãi suất, giảm chi phí, ban hành các gói kích thích kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp. “Việt Nam chúng ta đang làm gì khi lạm phát thấp nhưng lãi suất cao và các chi phí kinh doanh ngày càng lớn?”, ông Lộc nêu câu hỏi.

Việc chững lại trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2019 vừa được ngân hàng thế giới công bố đã cảnh báo rằng dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt lên chính mình nhưng các nền kinh tế khác đang thay đổi nhanh hơn và trở nên cạnh tranh hơn. Nếu không cải cách mạnh mẽ, chúng ta sẽ tụt lại phía sau./.

Tác giả: Vân Anh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok