Trong tỉnh

Xử tranh chấp đất, UBND huyện "nhờ" TAND Tối cao

Không phục bản án về khiếu nại thu hồi đất tranh chấp chưa đến 30 m2 giữa 2 hộ dân của TAND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Vĩnh Lộc gửi đơn khiếu nại đến TAND Tối cao

Ông Lê Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa - cho biết cơ quan này đã có đơn gửi TAND Tối cao kiến nghị bản án phúc thẩm số 09/2016/HC-PT ngày 16-8-2018 của TAND tỉnh Thanh Hóa liên quan đến việc tranh chấp đất đai giữa 2 hộ gia đình trên địa bàn mà đơn vị này là người bị kiện. Hiện TAND Tối cao đã tiếp nhận đơn kiến nghị của UBND huyện Vĩnh Lộc.

Tranh chấp thửa này, tòa xử thửa nọ

Theo hồ sơ, UBND huyện Vĩnh Lộc vướng vào vụ khiếu kiện này xuất phát từ việc tranh chấp đất đai (lối đi chung) giữa hộ gia đình bà Bùi Thị Xuân và bà Phạm Thị Thủy (ngụ xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc). Tháng 4-2016, các cơ quan chức năng của huyện Vĩnh Lộc đã nhiều lần hòa giải, kiểm tra, xác minh nguồn gốc 29,4 m2 đất trước cổng hộ bà Xuân dùng để đi ra đường là đất do UBND xã Vĩnh Yên quản lý nhưng lại nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) do UBND huyện này cấp năm 2002 cho hộ bà Thủy. Từ đó, UBND huyện Vĩnh Lộc đã ban hành quyết định thu hồi GCNQSDĐ của bà Thủy để thực hiện việc đính chính.

Tuy nhiên, bà Thủy đã không đồng tình nên khởi kiện quyết định trên của UBND huyện Vĩnh Lộc. Tại phiên sơ thẩm, TAND huyện Vĩnh Lộc đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Thủy và khẳng định việc ban hành quyết định thu hồi GCNQSDĐ của bà Thủy để đính chính là đúng thẩm quyền, trình tự và quy định của pháp luật. Bà Thủy sau đó đã kháng cáo, TAND tỉnh Thanh Hóa và cấp tòa này mở phiên xét xử phúc thẩm tuyên hủy một phần quyết định thu hồi đất của UBND huyện Vĩnh Lộc đối với hộ bà Thủy.

Không phục bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Vĩnh Lộc đã làm đơn khiếu nại gửi TAND Tối cao. UBND huyện cho rằng bản án có nhiều tình tiết không hợp lý, thiếu chính xác và chưa khách quan.

Cụ thể, trước khi kết thúc phiên tòa, HĐXX đã không thông qua toàn văn bản án mà chỉ nêu những ý chính dẫn đến việc khi ban hành bản án có nhiều sai sót, nhầm lẫn; không triệu tập bà Bùi Thị Xuân (là người có quyền lợi liên quan đến việc tranh chấp đất đai) tham gia phiên tòa mà chỉ lấy lời khai một phía từ hộ gia đình bà Thủy là chưa khách quan.

Đặc biệt, UBND huyện Vĩnh Lộc đã chỉ ra phiên phúc thẩm đã sử dụng hồ sơ, tài liệu chưa chính xác khi xác định nguồn gốc đất của bà Thủy tại thửa đất 298, tờ bản đồ số 8 của bản đồ 299 đo vẽ năm 1986 diện tích nguyên thủy là 7.030 m2, ghi chú là ao. Nhưng thực tế, khu đất của gia đình bà Thủy có vị trí tại thửa 257, tờ bản đồ số 8, bản đồ 299 xã Vĩnh Yên đo vẽ năm 1986, diện tích ban đầu là 540 m2. Hai thửa đất hoàn toàn tách biệt, cách nhau bởi một con đường thôn, hiện thửa đất 298 vẫn là một ao lớn.

Khu đất tranh chấp (bên trái là nhà bà Thủy và cổng vào nhà bà Xuân)

Bị kiện vì cấp nhầm đất

Trong bản khiếu nại gửi TAND Tối cao, UBND huyện Vĩnh Lộc còn chỉ ra hàng loạt các sai sót, thiếu chính xác trong việc tổng hợp ý kiến, cách lập luận, viện dẫn làm cơ sở pháp lý để đưa ra quyết định trong bản án. Để chứng minh việc này, UBND huyện Vĩnh Lộc cũng đã phân tích, viện dẫn cụ thể rõ ràng từng chi tiết bất cập, chưa chính xác của bản án.

Đáng chú ý, ông Lê Văn Thao (người được Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc ủy quyền tham gia tố tụng tại phiên tòa) khẳng định việc tổng hợp lời khai của ông trong bản án là sai sự thật. "Trong phiên tòa ông Thao chỉ thừa nhận phần diện tích đất 29,4 m2 đang tranh chấp nằm trong GCNQSDĐ mà UBND huyện cấp cho bà Thủy chứ không khẳng định phần đất trên đã cấp cho ông Ba (người chuyển nhượng đất cho bà Thủy). Như vậy, cần phải xem lại năng lực tổng hợp của thư ký tại phiên tòa" - đơn gửi TAND Tối cao viết.

Cũng trong văn bản này, UBND huyện Vĩnh Lộc cũng cho rằng việc tổng hợp lời khai của bà Tú, chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Vĩnh Lộc, không chính xác, chỉ là sự suy diễn của HĐXX.

Ông Lưu Văn Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Yên, khẳng định diện tích đất đang tranh chấp giữa hộ bà Xuân và bà Thủy là đất lưu không do xã quản lý. Tuy nhiên, do năm 2000 việc đo đạc lại hiện trạng đất trên địa bàn đã không xem xét kỹ, đã cấp cả diện tích trên vào sổ của bà Thủy nên UBND huyện ra quyết định thu hồi lại GCNQSDĐ của bà Thủy để điều chỉnh lại là hoàn toàn có căn cứ.

Không còn lối đi

Theo bà Bùi Thị Xuân, gia đình bà ở đây từ trước năm 1980 và mở cổng làm lối đi ra đường từ đó đến nay, không có tranh chấp với ai và cũng không có quyết định hay thông báo nào về việc yêu cầu bà phải mở cổng khác do mảnh đất đó đã bán hoặc chuyển nhượng cho người khác.

"Việc UBND huyện Vĩnh Lộc ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ cấp cho bà Thủy để điều chỉnh là cần thiết để trả lại đất cho xã và nhà tôi có lối đi ra đường. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm lại nói tuyên hủy một phần quyết định thu hồi đất của UBND huyện Vĩnh Lộc khiến gia đình tôi rất lo lắng về việc không còn lối đi. Gia đình tôi cũng đã làm đơn khiếu nại gửi TAND Tối cao để làm rõ trắng đen" - bà Xuân cho biết.

Tác giả: Minh Tuấn

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok