Giáo dục

Xét tuyển Đại học: Thận trọng khi 'đặt cửa' nguyện vọng

Theo quy định của Bộ GDĐT, từ 19/7 đến 17h ngày 26/7, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến; hoặc dùng phiếu điều chỉnh nguyện vọng từ 15/7 đến 17h ngày 28/7. Trong thời gian này, thí sinh có thể điều chỉnh thứ tự nguyện vọng đã đăng ký, điều chỉnh tổ hợp cho ngành xét tuyển đã đăng ký, thêm nguyện vọng mới.

Ảnh minh họa.

Còn nhiều băn khoăn

Ngay sau kỳ thi THPT Quốc gia kết thúc, các thí sinh nhận được điểm thi cũng là thời điểm nhiều bậc phụ huynh băn khoăn có nên thay đổi nguyện vọng cho con mình hay không. Thay đổi như thế nào cho hợp lý để đảm bảo khả năng trúng tuyển cao?

Phụ huynh Lê Thị Như (Thái Nguyên) chia sẻ, điểm năm nay của các cháu đều thấp chung, nên gia đình hơi hoang mang, không biết nên điều chỉnh nguyện vọng như thế nào, để giành được tấm vé vàng vào Đại học ngay từ nguyện vọng 1. Ban đầu cháu đăng kí vào ngành Tài chính- Ngân hàng, năm ngoái lấy 27 điểm; trong khi năm nay cháu chỉ được 25 điểm, gia đình tôi không biết nên đổi hay giữ nguyên nguyện vọng.

Cùng nỗi lo lắng ấy, một phụ huynh khác trăn trở, con tôi được 18.5 điểm, chênh so với mức điểm nhận xét tuyển của trường là 0,5 điểm. Dù là một tia hi vọng rất nhỏ nhưng tôi cũng mong cháu có thể đỗ Đại học Kinh tế Quốc dân. Tôi bắt xe khách lên Hà Nội từ sáng sớm, để nghe tư vấn từ chính các khoa đào tạo trong trường, mong muốn có hướng đi tích cực với mức điểm của con tôi. Sau khi được nghe tư vấn, gia đình dự định sẽ thay đổi nguyện vọng sang các ngành điểm thấp hơn, hi vọng cháu có cơ hội được trở thành sinh viên của trường.

Không chỉ các bậc phụ huynh mà các em thí sinh cũng tỏ ra khá lo lắng. Thí sinh Trần Đức Mạnh (Hà Nội) cho hay, em đã hỏi thăm điểm của nhiều bạn cùng đăng kí vào trường, điểm đều chênh lệch thấp hơn so với năm ngoái 1, 2 điểm. Tâm lí chung, tất cả đều thấp thỏm và ngập ngừng không biết nên đổi nguyện vọng hay giữ nguyên như lúc ban đầu. Em cũng chỉ hi vọng ngành của mình giảm điểm chuẩn để em có cơ hội đỗ vào trường Kinh tế quốc dân.

Bên cạnh các thí sinh chọn ngành học truyền thống, thì cũng có không ít thí sinh mạnh dạn đăng kí vào các ngành học mới, với mong muốn tăng cơ hội đỗ đại học nhiều hơn.

Thí sinh cần thận trọng khi thay đổi nguyện vọng. Ảnh minh họa.

Thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi thay đổi nguyện vọng

Theo TS Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội khác với lần chọn ngành, chọn trường vào tháng 4/2018, lần này thí sinh đã có đủ Thông tin (tham số), đặc biệt là có kết quả năng lực để giải bài toán tương lai. Do đó các em cần tự tin, thông thái để có đáp số đúng về năng lực bản thân, đúng về nhu cầu của thị trường lao động. Và quan trọng là phù hợp với mình và gia đình.

Hết ngày 15/7 các em thí sinh vẫn đang trong thời gian có thể điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trực tuyến thử nghiệm trên địa chỉ: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Các điểm đăng ký xét tuyển thông báo cho thí sinh biết để tham gia, đồng thời lưu ý, đây chỉ là giai đoạn chạy thử phần mềm giúp thí sinh làm quen với các điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trực tuyến và kết quả này sẽ bị xóa toàn bộ sau khi kết thúc chạy thử.

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT cho rằng: Sau khi các thí sinh đã biết kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, đến thời điểm này các thí sinh bước vào giai đoạn đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng vào các trường ĐH và CĐ. Bắt đầu từ ngày 13 – 15/7, Bộ GD&ĐT mở cổng thông tin điện tử để các thí sinh tập dượt làm quen điều chỉnh nguyện vọng. Còn thời gian điều chỉnh nguyện vọng chính thức bằng hình thức trực tuyến bắt đầu từ ngày 19-28/7.

Ông Tuấn nhấn mạnh thêm, trong quá trình thay đổi thứ tự nguyện vọng, các thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng khi thay đổi nguyện vọng, vì đây là lần thay đổi duy nhất. Cùng với đó, phải sắp xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên hợp lý, tránh việc tăng số lượng nguyện vọng lên quá nhiều gây sự lãng phí và trường hợp đăng ký nguyện vọng quá ít sẽ làm chúng ta giảm khả năng trúng tuyển.

Đồng thời, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT cũng khuyến nghị: Khi đăng ký thí sinh nên chia thành 3 nhóm nguyện vọng đó là: Nhóm thứ nhất cao hơn điểm thi của mình một chút, nhóm thứ hai là ngang bằng với điểm thi của mình và nhóm thứ ba thấp hơn so với điểm thi. Với 3 nhóm nguyện vọng như vậy sẽ tăng khả năng xét tuyển của thí sinh, với điều kiện nhóm nào thí sinh ưa thích nhất thi đưa lên đầu. Với cách làm vậy sẽ tăng cơ hội đậu vào ngành học và trường mà thí sinh yêu thích.

Cùng với đó, ở góc nhìn của chuyên gia, TS Lê Thống Nhất - chuyên gia giáo dục cho rằng, khi thí sinh nhận kết quả thi THPT Quốc gia 2018, mỗi em hãy đặt cho mình câu hỏi: Điểm các bài thi xét tuyển vào Đại học có phản ánh đúng năng lực các em hay không? Đặt câu hỏi đó để mỗi em nhìn nhận đúng năng lực của mình.

“Bây giờ chỉ khuyên các em hãy nhìn đúng năng lực của mình để điều chỉnh nguyện vọng cho đúng. Với những trường Đại học mà lâu nay gọi là top trên, thường có điểm chuẩn cao hơn các trường khác, khi vào học chắc chắn đòi hỏi các em phải có năng lực thực sự. Nếu điểm cao thì các em hoàn toàn có thể trúng tuyển những trường như thế nhưng phải nghĩ đến năng lực của mình để quyết định. Điểm thi cao nhưng nếu không phải năng lực thực sự, nếu không nắm chắc kiến thức các em rất dễ ngộ nhận. Từ ngộ nhận đó dẫn đến điều chỉnh nguyện vọng và chọn sai trường”, TS Lê Thống Nhất cho hay.

Để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, thí sinh phải nắm những lưu ý quan trọng trước khi “đặt cửa” nguyện vọng xét tuyển. Nhiều trường top đầu được cho sẽ giảm điểm sàn xét tuyển vì thế cơ hội cho các em vào học những trường này rất lớn. Thế nhưng các em cần nhớ với trường top đầu nếu không có năng lực thực sự sẽ không theo học được.

Tác giả: Minh Thúy

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok