Xã hội

WHO công bố 12 loại vi khuẩn kháng thuốc gây chết người

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở người đang gia tăng ngày càng nghiêm trọng. Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố danh sách các siêu khuẩn có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe con người.

Danh sách gồm 12 loại vi khuẩn nguy hiểm, đã phát triển khả năng đề kháng với các loại thuốc dùng trong điều trị các bệnh lây nhiễm thông thường. Những siêu khuẩn này đã cướp đi sinh mạng của 700.000 người mỗi năm. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn tiến, các chuyên gia dự đoán: Trước năm 2050, số người thiệt mạng sẽ tăng lên 10 triệu người mỗi năm.

"Vi khuẩn kháng thuốc đang gia tăng với tốc độ chóng mặt và chúng ta phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp chữa trị phù hợp. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, chúng ta sẽ không thể chế tạo ra các loại thuốc chữa bệnh kịp thời”, Marie-Paule Kieny - trợ lý Tổng giám đốc trong lĩnh vực hệ thống y tế và đổi mới của WHO, phát biểu.

Dựa vào mức độ nguy hiểm, danh sách này được chia thành ba loại: trầm trọng, cao và trung bình. Kết quả xếp loại cho thấy sự cấp bách trong việc tìm ra các loại thuốc tương ứng để điều trị các siêu khuẩn.

vikhuan
Ngày càng có nhiều vi khuẩn kháng thuốc (Ảnh: CDC)

Mức độ trầm trọng bao gồm ba vi khuẩn: Acinetobacter baumannii, Pseudomonas aeruginosa và Enterobacteriaceae. Những vi khuẩn này kháng được rất nhiều loại thuốc và có thể gây ra một loạt các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, bao gồm viêm phổi và nhiễm trùng máu.

Chúng được gọi là vi khuẩn gram âm, thường sống trong ruột đã phát triển hai màng tế bào. Chính vì điều này mà các phân tử thuốc rất khó để xâm nhập vào.

"Nếu các phân tử thuốc không lọt được vào bên trong tế bào, nó không thể hoạt động và tiêu diệt vi khuẩn", nhà nghiên cứu kháng sinh Carolyn Shore phát biểu trên CBC News.

Chín tác nhân gây bệnh khác xếp ở mức độ nguy hiểm cao và trung bình là các vi khuẩn gây ra các bệnh phổ biến hơn, chẳng hạn như bệnh lậu và ngộ độc thực phẩm. Đây là các bệnh có thể gây chết người, và đang ngày càng trở nên kháng thuốc.

Chúng bao gồm Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA), salmonellae, và Helicobacter pylori (gây viêm loét dạ dày tá tràng).

Danh sách này là lời cảnh báo của WHO về tình trạng kháng thuốc nghiêm trọng đang diễn ra. Những nỗ lực nghiên cứu và phát triển thuốc hiện nay vẫn chưa đủ để kiềm chế sự phát triển của các loại siêu khuẩn.

Việc công bố kết quả nghiên cứu “không phải để hù dọa mọi người về các siêu khuẩn mới, mà là để báo hiệu cho các nhà nghiên cứu và các công ty dược nên điều chỉnh lại thứ tự ưu tiên của họ", Kieny nói với giới truyền thông tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ.

Theo Kienny, các công ty dược phẩm không kiếm được nhiều lợi nhuận trong việc sản xuất thuốc kháng sinh. Vấn đề này làm giảm động cơ nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới của họ.

Việc nghiên cứu và phát triển thuốc kháng sinh tốn một số tiền rất lớn nhưng nó chỉ được các bệnh nhân sử dụng trong một thời gian ngắn. Điều đó có nghĩa là chỉ một số lượng nhỏ thuốc được bán ra.

Một giải pháp có thể làm thay đổi cách các công ty và cơ quan nghiên cứu thuốc đó chính là thưởng cho họ. Các phần thưởng này sẽ giúp họ tăng nguồn thu thay vì chỉ có thể tạo ra lợi nhuận thông qua việc bán thuốc – vốn rất ít.

Nhưng để vận hành một hệ thống như vậy, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ các chính phủ trên khắp thế giới.

"Đây không phải là một vấn đề mà chúng ta có thể giải quyết ở cấp quốc gia. Và đây là một trong những ví dụ về sự liên kết của các nước có thu nhập trung bình với các nước có thu nhập cao", chuyên gia kháng khuẩn Petra Gastmeier của Đại học Charité ở Đức phát biểu trên Science .

Người ta hy vọng rằng, danh sách mới do WHO cung cấp sẽ khiến các quốc gia tập trung hơn vào việc tìm ra các giải pháp chống lại các vi khuẩn có thể gây chết người.

Theo Kieny, ước tính các loại thuốc mới có thể được sử dụng trong một thập niên nữa. Trước thời điểm đó, các nhà nghiên cứu nên chế tạo ra các loại thuốc khác tốt hơn.

Toàn bộ danh sách được công bố trên trang web của WHO.

Danh sách các nhóm vi khuẩn kháng thuốc xếp theo mức độ nguy hiểm (theo WHO):

Loại 1: TRẦM TRỌNG

1. Acinetobacter baumannii, kháng carbapenem

2. Pseudomonas aeruginosa, kháng carbapenem

3. Enterobacteriaceae, kháng carbapenem

Loại 2: CAO

1. Enterococcus faecium, kháng vancomycin

2. Staphylococcus aureus, kháng methicillin, vancomycin trung gian

3. Helicobacter pylori, kháng clarithromycin

4. Campylobacter spp., kháng fluoroquinolon

5. salmonellae, kháng fluoroquinolon

6. Neisseria gonorrhoeae, kháng cephalosporin và fluoroquinolone

Loại 3: TRUNG BÌNH

1. Streptococcus pneumoniae, kháng penicillin

2. Haemophilus influenzae kháng ampicillin

3. Shigella spp., kháng Fluoroquinolon

Tác giả bài viết: Bích Trâm (Sciencealert)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok