Trong tỉnh

Vụ Nhà máy xả thải gây ô nhiễm, chính quyền đùn đẩy trách nhiệm: Xây dựng trái phép, hoạt động "chui" nhiều năm

Không chỉ xả thải gây ô nhiễm môi trường, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Thủy Nguyên, đóng tại khu 1, thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) còn xây dựng khi chưa được các ngành chức năng cấp phép, cũng như chưa có đánh giá tác động môi trường.

Báo TN&MT điện tử số ra ngày 23/10/2017 có bài Thanh Hóa: Nhà máy xả thải gây ô nhiễm, chính quyền đùn đẩy trách nhiệm? Phản ánh thực trạng: Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Thủy Nguyên được xây dựng trên diện tích đất của Nông trường Vân Du, nay thuộc quản lý của Công ty Cao su Thanh Hóa. Từ khi thành lập, người dân sống cạnh nhà máy phải sống cùng với ô nhiễm. Do nước thải trong quá trình sản xuất thải ra cùng với đó là nguyên liệu được tập kết lâu ngày bốc mùi hôi thối.

Người dân nơi đây rất bức xúc, trước thực trạng nhà máy nằm sát khu dân cư, xả thải gây ô nhiễm môi trường nhưng lại không bị ngành chức năng “tuýt còi” mà vẫn ngang nhiên hoạt động. Họ đã phản ánh nhiều lần đến chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Thế nhưng nghiêm trọng hơn, nhà máy chế biến thức ăn gia súc Thủy Nguyên còn xây dựng và đi vào hoạt động nhiều năm nay khi chưa có thủ tục pháp lý cần thiết. Thật nghịch lý “con voi chui lọt lỗ kim”.

Cả một nhà máy, một dây chuyền chế biến thức ăn gia súc được xây dựng và sản xuất trong khi đó từ thị trấn, huyện cho tới tỉnh không có kiểm tra, xử phạt. Dư luận hoài nghi có sự “bảo kê” cho nhà máy hoạt động chui nhiều năm nay là hoàn toàn có cơ sở.

Nhà máy xây dựng trái phép nhiều năm qua nhưng không bị ngành chức năng “tuýt còi”.

Nhà máy xây dựng trái phép nhiều năm qua nhưng không bị ngành chức năng “tuýt còi”.

Trong biên bản kiểm tra ngày 07/10/2017 của UBND thị trấn Vân Du với lãnh đạo nhà máy cùng với các hộ dân bị ảnh hưởng, ông Hồng Quang Thắng – Giám đốc công ty TNHH Thủy Nguyên thừa nhận về giấy phép xây dựng và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhà máy không có. Nhà máy không có bất cứ giấy tờ thủ tục nào vì nhà máy thuê lại mặt bằng của công ty Cao su Thanh Hóa mà trực tiếp là Nông trường Vân Du.

Đồng thời trong biên bản, UBND thị trấn Vân Du cũng yêu cầu nhà máy phải khắc phục sự cố môi trường và hoàn thiện thủ tục pháp lý. Sau 30 ngày công ty không hoàn thiện hồ sơ, UBND thị trấn sẽ báo cáo lên các ngành chức năng để xử lý theo quy định.

Trao đổi qua điện thoại ông Trần Bá Sơn – Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Thành cho biết: Trước đây, sở TN&MT đã về thẩm định đánh giá tác động môi trường một lần, nhưng do chưa có các thủ tục pháp lý đi kèm nên không được phê duyệt. Ông Sơn cũng thừa nhận nhà máy thuê lại đất của công ty Cao su Thanh Hóa và chưa có cấp phép xây dựng, chưa được UBND tỉnh Thnah Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như đánh giá tác động môi trường.

Ô nhiễm vẫn là bức xúc của người dân sống quanh nhà máy.

Còn khi được hỏi về giấy phép xây dựng, chấp thuận chủ trương đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải, thiết kế công trình xử lý nước thải của nhà máy chế biến thức ăn gia súc Thủy Nguyên, ông Lê Xuân Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Du quanh co, rồi đẩy trách nhiệm cho công ty Cao su Thanh Hóa.

Chiều ngày 24/10, PV Báo TN&MT điện tử đã liên lạc với ông Lê Viết Dương – Phó giám đốc công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa về hợp đồng thuê đất với công ty TNHH Thủy Nguyên. Ông Dương cáo bận họp, hẹn chiều liên lạc lại với phóng viên để tiếp cận hồ sơ. Thế nhưng, chiều cùng ngày PV đã gọi cho ông Dương nhiều lần nhưng ông không bắt máy.

Ông Lê Văn Bình – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa) cho biết: Đã nắm được thông tin nhà máy chế biến thức ăn gia súc Thủy Nguyên (đóng tại khu 1, thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành) xả thải gây ô nhiễm mà Báo TN&MT đã phản ánh.

Không chỉ thế, tôi mới được biết công ty chưa có các hồ sơ thủ tục để được phép xây dựng nhà máy. Sở TN&MT đang đấu mối với UBND huyện Thạch Thành thành lập đoàn kiểm tra và sớm có trả lời báo.

Trong quá trình tác nghiệp tại cổng nhà máy, PV còn bị một nhóm người cản trở và dùng những lời lẽ đe dọa, ép dừng xe, buộc vào nhà máy.

Đúng thực trạng “Con voi chui lọt lỗ kim” cả một nhà máy xây dựng trái phép và đi vào sản xuất nhiều năm nay nhưng lại không bị phát hiện, xử phạt. Vậy vai trò quản lý của các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa ở đâu?!

Tác giả: Thanh Tâm

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok