Cuộc sống

Vợ chồng trẻ lục đục vì smartphone

Nghiện smartphone đang trở thành một vấn đề có thật trong các gia đình làm ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân và là nguyên nhân đẩy các cặp đôi ra xa nhau hơn, có thể dẫn đến đường ai nấy bước.

Chị Hồng Vân, nhân viên tín dụng của một ngân hàng tại Q.6 cho biết gia đình chị thường xuyên lục đục chỉ vì mỗi chuyện chồng chị gần như không thể sống được nếu không có chiếc smartphone bên cạnh. Hai vợ chồng mới có một đứa con lên 4, cả hai đi làm từ sáng đến tối mới về đến nhà. Vậy mà chồng chị cứ luôn cắm mặt vào chiếc điện thoại mọi nơi, mọi lúc. Thậm chí không ít lần mang cả điện thoại vào nhà tắm nữa. Khi chat chit, khi cày game, lúc mải mê xem youtube đến tận khi lên giường.

Nhiều lần chị cũng đã nhẹ nhàng góp ý nhưng anh lại bảo mình chẳng làm gì sai, đi làm mệt nhọc cả ngày rồi tối về giải trí cũng bị cấm đoán. Mâu thuẫn không được giải quyết cứ âm ỉ, dồn nén theo thời gian… Một lần giọt nước tràn ly, mâu thuẫn bùng nổ dữ dội. Thế là họ chia tay nhau.

Với nhiều người, việc ngắm cảnh đẹp, ăn món ngon sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không được khoe lên “phây”. Ảnh: internet

Cùng tâm trạng đó, là câu chuyện của Minh Quân, nhân viên kinh doanh một công ty địa ốc ở Tân Bình khi cái nick facebook của Ngọc, vợ anh, lúc nào cũng sáng đèn. Bất cứ trong nhà có chuyện gì dù lớn hay bé đều đăng hết lên trên đó. Những dịp nếu cả nhà đi chơi, là Ngọc lại kè kè cái điện thoại với chế độ 3G luôn bật sẵn 24/24, không ngừng cập nhật cho bạn bè biết là mình vừa đến đâu, làm gì, ăn món gì và thậm chí là ngủ ở chỗ như thế nào. Với Ngọc, việc ngắm cảnh đẹp, ăn món ngon sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu những điều đó không được khoe lên “phây” và nhận lại những lời nhận xét đầy tính ghen tị của bạn bè.

Thỉnh thoảng Ngọc còn đăng ảnh bố mẹ lên “phây” kèm những câu bình luận thật tình cảm, kiểu như: “Luôn có một nơi đợi mình trở về, bất cứ lúc nào. Nhớ vô cùng!”. Thế là tới tấp cơn mưa lời động viên, chia sẻ, khen ngợi từ bạn bè khen cô hiếu thảo, luôn nghĩ đến các đấng sinh thành. Nhưng đâu có ai biết, cả năm rồi vợ anh chưa về thăm nhà cũng chẳng mấy khi gọi điện hỏi thăm bố mẹ. Thời gian rảnh rỗi kể cả dịp nghỉ lễ, cô dùng để đi chơi, kiếm hình “cúng phây”. Nói smartphone chuyên chở cả những thứ tình cảm giả tạo là vậy.

Trong khi đó, Ngọc Mai, tiểu thương chợ đầu mối Thủ Đức cũng hết sức phiền lòng vì chuyện Đình Khôi, chồng chị, mê chiếc điện thoại hơn là vợ. Lấy lý do công việc cần phải online liên tục nên lúc nào Khôi cũng khư khư bên mình điện thoại như hình với bóng. Mọi thứ trong gia đình đều khoán trắng cho vợ, không hề thắc mắc hay bận tâm tới.

Mới đây, thấy chồng có những hành động rất đáng ngờ như vừa chat vừa tủm tỉm cười ra vẻ thú vị lắm, mỗi lúc cô giả vờ đi ngang qua liếc vào thì nhanh như chớp chỉ thấy cái màn hình. Ngọc Mai không phải người hay ghen bóng, ghen gió nhưng với những biểu hiện như vậy làm sao không nghi ngờ cho được. Thế là cô rắp tâm theo dõi, phát hiện anh đang chơi trò “yêu” trên mạng. Chiến tranh nổ ra ác liệt. Không khí gia đình căng thẳng, ngột ngạt, chưa biết sự thể sẽ đi về đâu.

Có thể nhiều người cho rằng đó chỉ là một thói quen sinh hoạt và ngoài đôi chút khó chịu cho người đối diện, nó không gây tác hại nào khác. Tuy nhiên, sự việc có thể phức tạp hơn bạn nghĩ. Nhiều người than vãn rằng chồng hoặc vợ của họ cứ dán mắt vào điện thoại mọi lúc mọi nơi, kể cả những thời khắc riêng tư nhất.

Smartphone cùng vào phòng ngủ. Ảnh: internet

Nhiều nghiên cứu cho thấy con người đang lệ thuộc vào smartphone nhiều hơn mức họ ý thức được. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ gần gũi với họ, đặc biệt là vợ chồng, con cái.

Biết rằng, việc thay đổi thói quen sử dụng smartphone là điều không hề dễ dàng gì. Tuy nhiên cũng nên bỏ bớt điện thoại xuống, dành thời gian cho con cái, bạn bè và người thân của mình. Chính những người xung quanh ta mới đáng nhận được sự quan tâm chứ không phải những thiết bị vô tri vô giác kia.

Tác giả: TƯƠNG QUAN

Nguồn tin: Thế Giới Tiếp Thị Online

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok