Giáo dục

Việt Nam thiếu hàng nghìn giáo viên dạy trẻ đặc biệt

Thị trường việc làm và thu nhập đều hấp dẫn, song ít học sinh muốn theo học Giáo dục đặc biệt bởi công việc vất vả.

Tại hội thảo Giáo dục trẻ rối loạn phát triển ngày 31/10, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, cả nước hiện có khoảng 1,5 triệu trẻ khuyết tật, trong đó trẻ rối loạn phát triển chiếm tỷ lệ lớn nhất. Đây cũng là nhóm gặp nhiều khó khăn nhất trong phát triển, giáo dục.

Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, luật về người khuyết tật, cho ra đời các trung tâm hỗ trợ giáo dục, hòa nhập cho đối tượng này. Tuy nhiên, giáo dục trẻ khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn. Một nguyên nhân lớn là số giáo viên có chuyên ngành giáo dục đặc biệt ít, không đáp ứng đủ nhu cầu.

Việt Nam còn thiếu nhiều giáo viên dạy trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ rối loạn phát triển. Ảnh: TT Gia An.

PGS Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho biết, nguồn tuyển giáo viên dạy trẻ khuyết tật rất hạn chế. Cả nước chỉ có 2 khoa của Đại học Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP HCM đào tạo cử nhân Giáo dục đặc biệt; 3 Cao đẳng Mẫu giáo trung ương là Hà Nội, Nha Trang, TP HCM có chuyên ngành này. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh Giáo dục đặc biệt của các trường trên năm nào cũng thuộc diện thấp nhất.

Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2017 có 2.900 chỉ tiêu, nhưng số lượng cho khoa Giáo dục Đặc biệt là 35, chiếm 1,2%. Năm 2015, 2016 con số này lần lượt là 40 và 52. Đại học Sư phạm TP HCM có 40-50 chỉ tiêu cho khoa Giáo dục đặc biệt trên tổng số 3.000-4.000 chỉ tiêu của cả trường. Như vậy, tính từ khi thành lập đến nay, hai cơ sở này mới cho ra khoảng 1.400 cử nhân.

Báo cáo của trung tâm hỗ trợ trẻ tàn tật Sao Mai (Hà Nội) cũng cho thấy, chỉ 6,25% giáo viên ở đây có chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí (TP HCM) cũng phải sử dụng nhiều giáo viên ngành Giáo dục tiểu học vì khan hiếm nguồn tuyển.

Từ thực tế trên, PGS Mục cho rằng thị trường việc làm cho các cử nhân Giáo dục đặc biệt rất rộng mở. Cả nước hiện có 105 cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho tất cả trẻ khuyết tật, các trung tâm bảo trợ thuộc Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội, 15 trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập và tiến tới mỗi tỉnh ít nhất có một trung tâm, 100% trường mầm non, phổ thông đều có học sinh khuyết tật, rối loạn phát triển… Đây là "miền đất hứa" cho các cô giáo dạy trẻ khuyết tật.

"Tất cả sinh viên học khoa Giáo dục đặc biệt từ bậc mầm non đến phổ thông ra trường, cho đến nay không có em nào thất nghiệp. Thậm chí các em có thu nhập cao hơn 2-5 lần giáo viên bộ môn dạy chính khoá", ông Mục nhấn mạnh.

Thu nhập của giáo viên dạy trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ rối loạn phát triển thường cao hơn 2-5 lần giáo viên bộ môn ở các trường công lập. Ảnh: TT Gia An.

Thị trường việc làm và thu nhập đều hấp dẫn song vẫn ít học sinh muốn theo học Giáo dục đặc biệt bởi công việc chăm sóc trẻ khuyết tật vất vả, không có biên chế. Các sinh viên bậc tiểu học và THCS của chương trình đặc biệt khó được tiếp nhận vào trường hòa nhập vì yêu cầu năng lực khác nhau.

Để khuyến khích học sinh theo ngành Giáo dục đặc biệt, tăng nhân lực giáo viên dạy trẻ khuyết tật, PGS Mục cho rằng, phải thay đổi chính sách ưu tiên trong tuyển dụng. Các trường từ mầm non đến phổ thông nên có ít nhất 1-2 giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt để hỗ trợ học sinh khó khăn.

"Chúng tôi đang kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa tiêu chí có kiến thức, kỹ năng dạy trẻ khuyết tật vào khung tiêu chí năng lực cho giáo viên đang được Bộ xây dựng. Như vậy, để được tuyển dụng, các thầy cô phải đáp ứng tiêu chí này. Đây cũng là cách thúc đẩy các bạn trẻ đăng ký học chuyên ngành Giáo dục đặc biệt này", ông Mục nói.

Tác giả: Quỳnh Trang

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok