Trong tỉnh

Vì sao ngư dân Thanh Hóa thờ ơ với bảo hiểm tàu cá?

Theo lãnh đạo địa phương, nguyên nhân một phần do ngư dân quan niệm, “mua bảo hiểm, sẽ kéo rủi ro về”.

Nhiều ngư dân ở Thanh Hóa không mặn mà với việc mua bảo hiểm tàu cá

Những vụ tai nạn hay do các sự cố bất ngờ xảy ra gây thiệt hại về tàu cá ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của các ngư dân. Thế nhưng nghịch lý hiện nay, nhiều ngư dân ở Thanh Hóa lại không mặn mà với việc mua bảo hiểm thân tàu.

Rủi ro tới ai gánh chịu?

Thời gian vừa qua, trên vùng biển xã đảo Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) xảy ra 2 vụ cháy tàu đang neo đậu ước tính thiệt hại gần 4 tỷ đồng.

Cụ thể, đêm 9/5, khi đang neo đậu ở vùng biển Ngư Lộc, tàu đánh cá của anh Nguyễn Văn Hạnh (SN 1976, ở thôn Phú Vượng, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc) bất ngờ bốc cháy dữ dội gây thiệt hại lên đến 900 triệu đồng. Trước đó, rạng sáng 26/2, trên vùng triều thuộc địa phận thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc), người dân phát hiện tàu cá số hiệu TH-90870TS có công suất 140CV của ông Nguyễn Văn Bình (ngụ thôn Bắc Thọ) cháy lớn rồi cháy lan sang tàu cá mang số hiệu TH-91412TS (công suất 180CV) của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên và tàu cá TH-90680TS (công suất 160 CV) của ông Nguyễn Văn Lợi (ngụ thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc). Toàn bộ cả 3 chiếc tàu bị thiêu rụi hoàn toàn gây thiệt hại 3 tỷ đồng.

Trên địa bàn Thanh Hóa, tổng số tàu cá khai thác hải sản tính đến 30/4 là 7.393 chiếc. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, mới có 594 tàu cá tham gia mua bảo hiểm thân tàu và 4.612 thuyền viên mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Ngư dân tham gia bảo hiểm tự nguyện chỉ đạt 30% số tàu bắt buộc tham gia bảo hiểm. Trong thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục đề nghị các bộ ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ ngư dân chính sách bảo hiểm theo NĐ67.

Đáng nói, trong 4 chiếc tàu cá bị thiêu rụi hoàn toàn, chỉ có tàu cá của ông Nguyễn Văn Lợi tham gia mua bảo hiểm thân tàu. 3 chiếc còn lại không được mua bảo hiểm khiến chủ nhân của chúng đang phải gắng xoay xở mong sao có tiền trả nợ và tái khởi động nghề cá.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Bình, chủ tàu cá TH-90870TS cho biết: “Thực ra chúng tôi cũng không mong muốn điều xấu xảy ra với tàu cá của mình để mua bảo hiểm. Hơn nữa, phí đóng bảo hiểm từ 30-40 triệu đồng/năm cũng là một vấn đề, bởi khi mua tàu cá và trang bị để hoạt động được trên biển thì cũng ngót nghét trên dưới 1 tỷ đồng. Trong đó, tiền vay ngân hàng chiếm mất 70%”.

Còn ông Nguyễn Văn Tuyên, chủ tàu cá TH-91412TS cho hay: “Trước khi xảy ra sự việc, tàu cá của chúng tôi mới mua và đã đi được một chuyến. Chúng tôi cũng nghĩ là sau chuyến này về vay mượn thêm để mua bảo hiểm nhưng chưa kịp mua tàu đã cháy rồi. Giờ cũng chỉ có thể đi làm thuê và vay mượn họ hàng để trả lãi ngân hàng”.

Khác với ông Tuyên và ông Bình, do nhận thức được những rủi ro trong hoạt động đánh bắt cá trên biển nên hàng năm ông Nguyễn Văn Lợi đều tham gia mua bảo hiểm cho tàu cá của mình. Ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND xã Ngư Lộc đã đấu mối với công ty bảo hiểm để giúp ông Lợi hoàn thành thủ tục nhận tiền bảo hiểm theo quy định. “Nghề biển là nghề nhiều rủi ro và xảy ra bất cứ lúc nào. Chính vì thế, gia đình tôi phải tham gia mua bảo hiểm để khi không may xảy ra thì mình được hỗ trợ một phần nào đó”, ông Lợi nói.

Ngại mua bảo hiểm vì… tâm linh?

Được biết, toàn huyện Hậu Lộc có tới 749 tàu cá, trong đó, có 373 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Thế nhưng, số liệu rà soát qua từng năm (2016 - 2017) số lượng tàu cá tham gia bảo hiểm cũng chỉ dừng lại ở con số trên dưới 30%. Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, nguyên nhân một phần do ngư dân quan niệm, “mua bảo hiểm, sẽ kéo rủi ro về” nên ngại tham gia. “Tâm lý e ngại hay điều kiện kinh tế khó khăn chỉ là một phần, cốt lõi vẫn là chế tài xử phạt chưa mạnh. Chính vì thế, sắp tới cần có sự chung tay vào cuộc của cả các cấp ngành, địa phương, làm sao để bà con hiểu mua bảo hiểm là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con ngư dân khi hoạt động đánh bắt cá trên biển”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hậu Lộc cho hay: Số lượng tàu cá 90CV trở lên tham gia bảo hiểm vẫn đang tiến hành rà soát cụ thể. “Thực tế chung cho thấy, ngư dân có tàu công suất trên 90CV rất muốn mua bảo hiểm theo cơ chế chính sách hỗ trợ Nghị định 67 của Chính phủ. Bởi nếu mua bảo hiểm theo hình thức thương mại (không được hỗ trợ) thì ngư dân sẽ không có đủ điều kiện tham gia”, ông Toản nói.

Tác giả: Phúc Tuấn

Nguồn tin: Báo Giao thông




  Từ khóa: bảo hiểm , tàu cá , ngư dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok