Giáo dục

Vì sao Lịch sử và Tiếng Anh có độ vênh điểm thi và học bạ cao nhất?

Theo bảng so sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn của các địa phương thì Lịch sử, Tiếng Anh có độ vênh lớn nhất, lên tới 3,37 điểm.

Vì sao Lịch sử và Tiếng Anh có độ vênh điểm thi và học bạ cao nhất?

Các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Hà Nội…bị gọi tên vì có điểm trung bình học bạ cao hơn hẳn trung bình điểm thi.

Trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của hầu hết các môn thấp hơn trung bình điểm học bạ lớp 12. Riêng môn Giáo dục công dân có điểm trung bình thi tốt nghiệp cao hơn điểm trung bình học bạ lớp 12 ở hầu hết các tỉnh/thành phố.

Riêng môn Tiếng Anh và Lịch sử có độ vênh lớn, nhất là Lịch sử. Môn Lịch sử có trung bình điểm thi thấp nhất trong tất cả các môn, chỉ 4.971 điểm nhưng lại có trung bình điểm thi lên tới 7.659 điểm (vênh 2.689 điểm).

Cụ thể, địa phương xếp đầu bảng về độ vênh giữa trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT và trung bình điểm học bạ ở môn học này là Hà Nội (vênh 3,37 điểm); Long An (3.37 điểm); Sóc Trăng (3.33 điểm); Phú Yên (3,36 điểm); Bến Tre (3,1 điểm); Đồng Tháp (3.0 điểm); Bắc Ninh, Quảng Ninh (3.0 điểm). Ngoài ra, các địa phương còn lại đều có độ vênh từ 1- hơn 2 điểm.

Ở môn Tiếng Anh cả nước có trung bình điểm thi là 5.842 điểm nhưng trung bình điểm thi cũng lên tới 7.089 điểm (vênh 1.24 điểm). Trong đó các địa phương xếp đầu bảng gồm: Hoà Bình (2.4 điểm); Hà Giang (2.4 điểm); Hậu Giang (2.29 điểm); Nghệ An (2.36 điểm); Điện Biên (2.07 điểm). Ở chiều ngược lại, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương là 2 địa phương có trung bình điểm học bạ thấp hơn trung bình điểm thi tuy nhiên độ vênh không đáng kể. Đa số các địa phương còn lại có điểm thi cao hơn điểm học bạ.

Ở môn Toán, địa phương có điểm chênh giữa học bạ và trung bình điểm thi cao phải kể đến như: Hoà Bình (vênh 1,68 điểm); Hà Giang (vênh 1.66 điểm); Trà (vênh 1,4 điểm); Sơn La (vênh 1.3 điểm).

Môn Hoá học, Hà Nội dẫn đầu khi có điểm vênh lên tới 1.75 điểm; Long An vênh 1.47 điểm…

Ngữ văn là môn các địa phương có độ vênh khá thấp. Tỉnh có điểm vênh cao nhất là Phú Yên – Đà nẵng vênh 1.4 điểm.

Dạy học chưa nghiêm túc

Một giáo viên dạy bộ môn Ngoại ngữ ở Thanh Hoá nói rằng, trung bình điểm học bạ chênh cao hơn 2 điểm so với điểm thi chứng tỏ dạy học không nghiêm túc. Việc kiểm tra đánh giá ở trường học là một quá trình, học sinh có thể có sự tiến bộ sau một thời gian ôn tập tuy nhiên khó có độ chênh lên tới 3 điểm. “Với điểm chênh cao có thể năng lực học sinh không đạt ở mức điểm đó nhưng giáo viên nới rộng tay để các em có điểm học bạ đẹp. Nếu trường ĐH xét tuyển bằng hồ sơ, học bạ chất lượng sẽ không thực chất”, giáo viên này nói.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói rằng, môn Toán và Ngữ Văn độ chênh lệch giữa điểm thi với điểm học bạ của tất cả các địa phương là tương đối thấp trong khi các môn khác, có địa phương tương đối ổn định, nhưng có địa phương lại chênh lệch điểm thi và học bạ lớn. Điều này cho thấy, trên cả nước 2 môn Toán, Văn vẫn được chú trọng trong dạy học nhiều nhất.

Sau khi đối sánh kết quả, Bộ GD&ĐT cũng nhận định, Tiếng Anh, Lịch sử, mức chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi có phần cao hơn các môn khác cho thấy việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp THPT. Kết quả học tập môn Tiếng Anh và môn Lịch sử của học sinh còn hạn chế; quá trình kiểm tra, đánh giá các môn này trong trường phổ thông có phần "rộng" hơn.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok