Giáo dục

Vì sao điểm chuẩn nhiều ngành năm nay cao kỷ lục?

Nhiều ngành học được cho là “hot” nên đăng ký xét tuyển nhiều, chỉ tiêu lại ít, và có một số thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức khác nên đẩy điểm chuẩn cao kỷ lục.

Ảnh minh họa: TTXVN

Năm 2020, ngành Công nghệ thông tin: Khoa học máy tính (IT1) của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội lấy điểm chuẩn đến 29,04, tăng 1,62 điểm so với năm 2019. Đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất của trường từ trước đến nay.

PGS. Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, điểm chuẩn năm nay cao do thí sinh giỏi dồn vào Khoa học máy tính. Đây là ngành ‘hot', xu hướng chung của thế giới. Thực tế, tại các trường có đào tạo ngành Công nghệ thông tin, ngành này luôn đứng đầu bảng về điểm chuẩn.

Ngoài ra, trường còn 4 ngành khác xác định điểm trúng tuyển trên 28. Trong đó, ngành Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa lấy 28,16 điểm. Hai ngành Công nghệ thông tin: Kỹ thuật máy tính (IT2), Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (chương trình tiên tiến) cùng lấy 28,65 điểm. 28,38 điểm là mức thấp nhất để trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin (Global ICT, mã IT-E7).

Ông Điền cho hay, không chỉ Khoa học máy tính, ĐH Bách khoa Hà Nội có 7 ngành liên quan công nghệ thông tin và đều có điểm chuẩn cao. Ngay cả chương trình Công nghệ thông tin liên kết đào tạo, học phí cao, điểm chuẩn vẫn trên 25.

Lý giải về điểm chuẩn cao kỷ lục, PGS Nguyễn Phong Điền cho rằng, trong số những thí sinh trúng tuyển ngành lấy điểm chuẩn 29,04, một số em được cộng điểm ưu tiên, khuyến khích. Trong cuộc cạnh tranh vào đại học, thí sinh giành giật từng 0,25 điểm. Khi dự thi thi tốt nghiệp THPT, các câu cuối trong đề có độ khó cao để phân loại thí sinh.

Ảnh minh họa: TTXVN

Không chỉ tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, năm nay, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng xuất hiện ngành học lấy điểm chuẩn cao kỷ lục – 30 điểm - đó là ngành Hàn Quốc học cho tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).

Ngành Đông phương học cũng có điểm chuẩn cao kỷ lục là 29,75 (năm ngoái là 28,5 khối C00). Ngành Quan hệ công chúng của trường cũng ghi cột mốc mới với mức chuẩn 29 (khối C00)

Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng phụ trách ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc điểm chuẩn 30/30 là do chỉ tiêu ngành Hàn Quốc học năm nay là 50 nhưng đã có đến 30 chỉ tiêu tuyển thẳng. Chính vì vậy, chỉ tiêu dành cho xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 16 - 20 chỉ tiêu trên toàn quốc nên điểm chuẩn tăng cao.

Ông Tuấn cho biết do chưa rà soát dữ liệu nên chưa thể khẳng định tất cả thí sinh trúng tuyển ngành Hàn Quốc học theo tổ hợp C00 đều được cộng điểm ưu tiên. Tuy nhiên, căn cứ dữ liệu điểm thi đợt 1 của Bộ GD&ĐT, điểm cao nhất ở tổ hợp này là 29,25. Ngoài ra, đợt thi đầu tiên, cả nước có thêm 6 thí sinh đạt 29 điểm và một em đạt 28,75 điểm. Như vậy, để trúng tuyển vào ngành Hàn Quốc học bằng tổng điểm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, thí sinh cần có điểm ưu tiên hoặc khuyến khích.

"Điểm thi cao nên thí sinh rất dễ ảo tưởng. Khi đăng ký nguyện vọng, nhiều em có thể chủ quan, chỉ tập trung các ngành hot mà không có những nguyện vọng thấp hơn để dự phòng. Rất nhiều người đã dự đoán điểm chuẩn 2020 cao kỷ lục, phải đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng thí sinh không lưu tâm", ông Dũng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhận định với Zing khi cho rằng điểm chuẩn năm 2020 cao kỷ lục ở nhiều trường kỹ thuật, công nghệ, kinh tế.

Tác giả: Khánh Nguyễn

Nguồn tin: vtv.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok