Giáo dục

Từ nhân viên bán căng tin thành hiệu trưởng ​

“Ít ai biết rằng, tôi bắt đầu hành trình nghề giáo bằng vị trí… nhân viên đứng bán căng tin” - cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội bùi ngùi chia sẻ.

Khát khao đứng trên bục giảng

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1994, cô Nhiếp về trường THPT Yên Hòa giảng dạy. Cô vừa làm giáo viên dạy môn Sinh học, vừa là cố vấn Đoàn của trường, ủy viên ban chấp hành huyện đoàn Từ Liêm. Suốt 3 năm cống hiến, nỗ lực phấn đấu hết mình, thậm chí khi đã lập gia đình cô cũng không dám sinh con, nhưng cánh cửa vào biên chế vẫn không mở ra. Năm 1997, cô giáo trẻ đành dằn lòng xin nghỉ việc để thực hiện thiên chức làm mẹ.

“Đó là một quyết định rất khó khăn, vì điều đó đồng nghĩa với việc bỏ luôn công sức ba năm phấn đấu, nỗ lực, và quan trọng hơn, cơ hội được trở lại với nghề không dễ dàng”, cô Nhiếp xúc động chia sẻ. Năm 1999, cô trở lại hành trình tìm việc như 5 năm trước.“ Tất cả các trường đều đã đủ giáo viên.Vào được trường công, dù chỉ là hợp đồng, cũng quá khó khăn.Tôi đành nộp hồ sơ vào một ngôi trường bán công vừa mới mở, trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, Hà Nội” – cô Nhiếp kể. Tuy nhiên, ngay cả ngôi trường tư non trẻ ấy cũng không có chỗ cho cô lên bục giảng.“Thầy Hiệu trưởng bảo chỉ còn vị trí nhân viên đứng bán căng tin.Tôi vẫn rất vui vẻ nhận lời. Khi đó, tôi chỉ có mong mỏi lớn nhất là được làm việc. Nhưng mỗi khi nhìn các em học sinh, niềm khát khao được đứng trên bục giảng lại bùng cháy trong tôi”.

Người phụ nữ thích đổi mới

Cô Nhiếp kể, dù chỉ đứng bán căng tin, cô vẫn luôn hết mình cho công việc nên chỉ 6 tháng sau, cô được chuyển lên làm vị trí nhân viên phòng thí nghiệm. Cô lại vui vẻ, nhiệt tình với công việc mới.

“Có lẽ thầy Hiệu trưởng thấy thương tình nên sau đó, thầy cho tôi đi dạy. Cảm xúc khi lần đầu tiên được đứng trên bục giảng sau 3 năm rời xa là hạnh phúc vô cùng”, cô Nhiếp xúc động kể.

Được trở lại với phấn trắng bảng đen, với năng lực sư phạm nổi trội và sự nhiệt huyết với nghề, hết mình với công việc, cô Nhiếp nhanh chóng được sự tín nhiệm của đồng nghiệp và ban giám hiệu, sự yêu mến của các em học sinh, được cử làm tổ trưởng tổ chuyên môn. Năm 2004, chỉ sau 5 năm kể từ ngày đầu tiên đến công tác tại trường THPT Phan Huy Chú với vai trò người bán căng tin, cô Nhiếp đã được trường tin tưởng giao trọng trách là Phó hiệu trưởng. Năm 2008, cô trở thành Hiệu trưởng.

“Đó là quả ngọt cho bao thăng trầm, vất vả, cho những sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tôi, dù ở bất kỳ vị trí nào. Sự nỗ lực đã không phụ người,” cô Nhiếp chia sẻ.

Ở cương vị mới, với sự nhanh nhạy, sáng tạo, quyết đoán và dám nghĩ dám làm, cô Nhiếp đã mạnh dạn làm đề án trình Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho phép chuyển mô hình trường THPT Phan Huy Chú từ trường bán công sang trường công lập tự chủ tài chính toàn phần.

Mô hình mới đã tạo cơ hội để cô đưa ra những thử nghiệm mới. Cô xây dựng mô hình lớp chất lượng cao. Mô hình giáo dục mới mang lại hiệu quả giáo dục tích cực đã giúp trường nhận được sự tín nhiệm của phụ huynh.

Năm 2013, UBND TP Hà Nội có quyết định về tiêu chí của trường chất lượng cao. Thấy đây là cơ hội cho trường, cô nhanh chóng nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí đúng theo yêu cầu. Từ một trường bán công với cơ sở vật chất nghèo nàn, kém sức hút, năm 2013, Phan Huy Chú đã trở thành trường THPT chất lượng cao đầu tiên của Hà Nội.

Cùng với thay đổi về mô hình hoạt động của trường, cô Nhiếp cũng linh hoạt, sáng tạo trong công tác quản lý để phát huy tốt nhất hiệu quả giảng dạy của các giáo viên.

“Giáo viên là yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo. Muốn nâng chất lượng đào tạo thì giáo viên phải nhanh nhạy, sáng tạo, tâm huyết. Nhưng muốn giáo viên sáng tạo thì trước tiên, hiệu trưởng phải sáng tạo”, cô Nhiếp nói.

Sáng tạo của người hiệu trưởng theo cô chính là sự sáng tạo trong cách quản lý.

Cô thành lập Tổ Giáo viên đồng hành đổi mới sáng tạo. Tổ có nhiệm vụ cập nhật và phổ biến thông tin về các phương pháp giáo dục mới, đồng thời dạy thí điểm, dạy mẫu cho các giáo viên khác trong trường đi theo.

Trong khi ở nhiều nơi, nhiều trường, việc đánh giá năng lực thường theo kiểu “cào bằng” định tính, thì ở Phan Huy Chú, cô Nhiếp xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, chi tiết, đo công việc hàng ngày của giáo viên. Từ thước đo đó, các giáo viên được xếp loại một cách rõ ràng, minh bạch. Mức lương theo đó cũng khác nhau. Không chỉ lấy yếu tố vật chất, cô Nhiếp còn tạo động lực đổi mới bằng cách động viên tinh thần cho giáo viên luôn đặc biệt chú trọng ghi nhận những công sức, những nỗ lực của mỗi người. “Sự ghi nhận có khi chỉ là một sự thông báo, một lời khen, một sự khích lệ trước hội đồng, đặc biệt là trước tất cả các học sinh và phụ huynh. Đó là niềm hãnh diện rất lớn để các giáo viên tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo hơn nữa”, cô Nhiếp chia sẻ.
Trở về với “mối tình đầu”

Sau 19 năm gắn bó với trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, năm 2016, cô Nhiếp được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phân công về làm Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Yên Hòa.

Cô bảo: “Tôi vẫn gọi đùa trường Yên Hòa là mối tình đầu của mình với nghề giáo. Ngày 30/7/1996, tôi quyết định nghỉ ở trường Yên Hòa, đúng 20 năm sau, ngày 30/7/2016, tôi nhận quyết định về lại Yên Hòa. Đó có lẽ là định mệnh.”

Từ một môi trường giáo dục tự chủ tài chính chuyển sang trường công lập thuần túy, cô Nhiếp cho biết bản thân cũng gặp khá nhiều khó khăn để có thể bắt nhịp với một guồng quay mới. Đây cũng là một ngôi trường có bề dày thành tích với điểm đầu vào thuộc nhóm cao ở Hà Nội nên cũng là một thách thức với cô khi có nhiệm vụ phải đưa trường phát triển cao hơn nữa.

“Sau hai năm, chúng tôi cũng đã và đang cùng nhau nỗ lực để đổi mới phương pháp dạy và học, nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho học sinh Yên Hòa” - cô Nhiếp chia sẻ.

Tác giả: Minh Anh

Nguồn tin: ngaynay.vn

  Từ khóa: hiệu trưởng ​

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok