Giáo dục

Trường Đại học Thành Đô: Nhiều lộn xộn trong công tác đào tạo

Trái ngược với những lời PR có cánh, nhiều sinh viên theo học tại Trường Đại học Thành Đô đã nhanh chóng “vỡ mộng” bởi những việc làm bất nhất, phản giáo dục của những cá nhân là lãnh đạo nhà trường.

Từ việc bất cần giấy phép...

Trên trang web của mình, Trường Đại học Thành Đô (đóng trên địa bàn xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) tự giới thiệu rất “hoành tráng” khi tự nhận là “địa chỉ uy tín đào tạo Dược sĩ đại học”. Giá trị cốt lõi của trường “được kết tinh bởi chuyên, chính, chân, chất”- đó là chân thành, hợp tác, tin cậy, chia sẻ; chính trực, hành xử chuẩn mực tạo nên sự tôn trọng và duy trì kỷ cương nề nếp; tác phong chuyên nghiệp thúc đẩy sự tiến bộ…

Trường đại học Thành Đô được giới thiệu hoành tráng khi tự nhận là địa chỉ uy tín đào tạo Dược sĩ đại học, nhưng trái lại là sự lộn xộn, bất cập trong công tác đào đạo..?

Trái ngược hẳn với những lời "có cánh" nêu trên, theo phản ánh của nhiều sinh viên và cả cán bộ nhà trường, hoạt động của Trường Đại học Thành Đô cho thấy sự nhiễu nhương, lộn xộn, thậm chí vi phạm các quy định của Nhà nước.

Trong các năm học 2016- 2017, 2017- 2018, Trường Đại học Thành Đô rầm rộ thông báo tuyển sinh văn bằng 2 ngành Dược học. Thông tin từ những tờ thông báo tuyển sinh nêu trên khiến nhiều người học cảm thấy vô cùng hấp dẫn. Nhưng ít ai biết rằng, trong suốt thời gian này, Trường Đại học Thành Đô vẫn chưa được Bộ GD- ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2.

Lý giải việc đào tạo không phép này, tại cuộc làm việc với PV, đại diện Trường Đại học Thành Đô cho rằng, đây là hình thức “liên thông ngành ngang”. Nhưng khi PV hỏi, đã là “liên thông ngành ngang” nhưng tại sao trong thông báo lại là tuyển sinh văn bằng 2 thì đại diện phía nhà trường... im lặng!

Mặc dù không nhận được câu trả lời rõ ràng từ phía Trường Đại học Thành Đô nhưng sự thật khó có thể chối bỏ khi trên trang web của nhà trường, những thông tin về tuyển sinh văn bằng 2 nêu trên hiện vẫn đăng tải công khai mà bất kỳ ai cũng có thể truy cập được. Và trên thực tế, việc đào tạo văn bằng 2 đã được Trường Đại học Thành Đô tổ chức thực hiện từ nhiều năm nay.

...đến bát nháo đào tạo liên thông

Chỉ tính riêng trong việc đào tạo liên thông ngành Dược của Trường Đại học Thành Đô đã cho thấy sự bát nháo khi nhà trường tổ chức tuyển sinh kiểu “vơ bèo vạt tép”. Đối tượng tuyển sinh vào Khoa Y Dược- một ngành nghề liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người- lại được Trường Đại học Thành Đô thực hiện hết sức cẩu thả khi nhà trường xét tuyển cả những sinh viên học ngành nghề khác như nghệ thuật, kế toán, cơ khí… Tại cuộc làm việc với PV, đại diện Trường Đại học Thành Đô lý giải việc thực hiện “liên thông ngành ngang” bằng việc đưa ra Quyết định 18/2017/TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 02/VBHN-BGDĐT ngày 5/8/2015 để cho rằng nhà trường đã thực hiện đúng các quy định.

Thế nhưng sự thật lại trái ngược hẳn. Tại Quyết định 18 đã quy định rõ, đối với đào tạo liên thông Đại học khối ngành sức khỏe (ngành y, dược- PV) thì người đăng ký dự thi phải có bằng trung cấp hoặc cao đẳng khối ngành sức khỏe. Cụ thể hơn, theo Quyết định 18, khối ngành sức khỏe chỉ áp dụng đào tạo liên thông đối với người đã có chứng chỉ hành nghề và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào phải đạt điểm mỗi môn thi là 5 điểm trở lên.

Trở lại việc tuyển sinh của Trường Đại học Thành Đô thì với việc tuyển cả thí sinh có bằng văn công, kế toán… thì họ lấy đâu ra chứng chỉ hành nghề về y dược?

Thông báo tuyển sinh văn bằng 2 của trường đại học Thành Đô có cả ngành Dược

Mặt khác, nếu được phép đào tạo liên thông, các cơ sở giáo dục cũng chỉ được tuyển sinh hệ này với số lượng không quá 15% trên tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cả trường. Đối chiếu với Trường Đại học Thành Đô, mỗi năm nhà trường chỉ được phép tuyển khoảng 75 sinh viên nhưng thực tế, con số này thường gấp nhiều lần chỉ tiêu cho phép.

Cũng về đào tạo liên thông, có biểu hiện cho thấy Trường Đại học Thành Đô đã tự đề ra những quy định vô lý, thiếu căn cứ và vi phạm những quy định của pháp luật để thu tiền trái phép của sinh viên. Sự việc này đã khiến nhiều sinh viên bất bình, có đơn thư đề nghị được giải trình, làm rõ.

Cụ thể, theo thông báo của Trường Đại học Thành Đô, các sinh viên tốt nghiệp hệ vừa học vừa làm hoặc có bằng tại chức trình độ cao đẳng, đại học tham gia tuyển sinh vào ngành Dược trình độ cao đẳng, đại học hệ liên thông chính quy bắt buộc phải học bổ sung kiến thức để đủ điều kiện tuyển sinh.

Nếu xem qua, tưởng chừng việc học bổ sung kiến thức này là cần thiết và tốt cho học sinh. Tuy nhiên, nếu đi sâu một chút, bất kỳ ai cũng không khó để nhận ra những bất thường.

Đầu tiên, đối tượng phải học bổ sung kiến thức bao gồm những sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học các ngành khác đang học liên thông ngành Dược, điều này càng củng cố thêm chứng cứ về việc tuyển sinh không đúng quy định của Trường Đại học Thành Đô.

Thêm nữa, khi Trường Đại học Thành Đô ban hành những quy định này (thực chất là ban hành năm 2017) thì sinh viên dự tuyển vào các năm 2015, 2016 đã học sắp mãn khóa, ra trường nhưng vẫn thuộc diện phải học bổ sung kiến thức. Lẽ ra, việc bổ sung kiến thức để đủ điều kiện dự thi ngành Dược phải thực hiện trước khi thí sinh dự tuyển đầu vào thì mới có ý nghĩa để sàng lọc và nâng cao kiến thức cho sinh viên. Vậy nên, việc bắt buộc sinh viên đã học nhiều năm phải quay lại bổ sung kiến thức để “đạt chuẩn” vào trường khiến nhiều người cho là việc làm vừa hài hước, vừa tốn công vô ích vừa không đúng các quy định hiện hành. Nhiều sinh viên không ngần ngại huỵch toẹt rằng, mục đích chính của việc bắt họ học bổ sung kiến thức là… tiền bởi số tiền mỗi sinh viên phải đóng là 5,5 triệu đồng nếu nhân với ít nhất là hơn 300 sinh viên (con số đã được nhà trường lên danh sách, lập biểu) thì số tiền thu được là không hề nhỏ.

Chưa hết, do mục đích thiếu trong sáng nên việc làm của lãnh đạo Trường Đại học Thành Đô cũng đầy mâu thuẫn và thiếu minh bạch. Cụ thể là trong Quyết định ban hành ngày 5/2/2015 về chương trình học bổ sung kiến thức của Trường Đại học Thành Đô có căn cứ là Thông tư 02 của Bộ GD- ĐT. Tuy nhiên, khi văn bản nêu trên của Trường Đại học Thành Đô được ký thì Thông tư 02 còn chưa được ban hành (Thông tư 02 ban hành sau đó 6 tháng, ngày 5/8/2015). Làm sao lãnh đạo Trường Đại học Thành Đô lại có thể biết 6 tháng sau sẽ có một văn bản của Bộ GD- ĐT sẽ ra đời với cơ sở pháp lý phù hợp để họ ban hành văn bản rồi thu tiền của sinh viên? Nhiều cán bộ, sinh viên nhà trường cho rằng, văn bản này ra đời sau thời điểm 5/8/2015 nhưng được đẩy lên để “tận thu” với những đối tượng không nằm trong diện phải thu số tiền 5,5 triệu đồng. Quan điểm này được cho là có cơ sở khi số văn bản nêu trên cũng rất ‘bất thường”, đó là số 52a (vì là số văn bản ra đời sau, chèn vào khi đã có các văn bản số 52 và 53).

Ngoài ra, nhiều sinh viên còn “tố” lãnh đạo Trường Đại học Thành Đô mập mờ, bội tín bởi trước khi vào trường họ đã được nhà trường thông báo được học liên thông lên hệ đại học Dược. Nhưng khi học hết chương trình cao đẳng, nhà trường lại yêu cầu sinh viên nộp hồ sơ và đăng ký với Trung tâm tuyển sinh để thực hiện ôn thi và thi chuyển giai đoạn. Tất nhiên, để được ôn thi và thi thì thí sinh phải nộp lệ phí thi, mức rất “nhẹ nhàng” là 2 triệu đồng mỗi người. Sau đó, việc làm này bị thí sinh phản đối, nhà trường mới ngừng thu nhưng cũng dừng luôn việc tổ chức thi khiến hàng trăm sinh viên bơ vơ, ngỡ như mình bị lừa dối, bỏ rơi.

Trước những vấn đề bê bối tại Trường Đại học Thành Đô, đề nghị Bộ GD- ĐT vào cuộc kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm những sai phạm, lập lại kỷ cương, nề nếp, trả lại môi trường giáo dục lành mạnh cho sinh viên.

Liên quan đến những vấn đề “lình xình” tại Trường Đại học Thành Đô, ngày 28/6, PV đã đặt lịch làm việc với Bộ GD- ĐT. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía Bộ GD- ĐT.

Tác giả: Việt Cường – Thế Vũ

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok