Cuộc sống

Trộm chó còn tồn tại vì nhu cầu "cầy tơ" quá lớn?

Một người dân ở Thanh Hóa, địa phương thu gom và phân phối cầy tơ lớn nhất nước tiết lộ, với nhu cầu như hiện tại, lượng chó cung cấp ra thị trường chủ yếu là chó trộm.

Những vụ án đáng tiếc xảy ra ngày càng nhiều khi những đối tượng trộm chó ngày càng liều lĩnh, manh động và tình trạng trộm chó ngày càng phổ biến. Những con chó bị trộm sẽ bị đưa đi đâu?

Chó trên bàn nhậu, từ đâu mà có?

Theo báo “Người lao động”, làng Sơn Đông (xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc – Thanh Hóa) là nơi thu gom và phân phối cầy tơ lớn nhất nước. Thị phần chiếm đến 60% toàn miền Bắc. Ở đây, rất nhiều hộ sống bằng nghề buôn chó. Một người dân ở đây cho biết, thịt chó ở Hà Nội hay bất cứ tỉnh nào ở miền Bắc chủ yếu được cung cấp từ Sơn Đông. Mỗi ngày, Sơn Đông cung cấp cho thị trường miền Bắc khoảng 40 tấn hàng. Thị trường thịt chó miền Bắc đắt hay rẻ đều do ở đây điều phối.

Do nhu cầu thị trường tăng mạnh, đặc biệt khi Thái Lan ra lệnh cấm buôn bán chó, các ông chủ ở Sơn Đông mở rộng địa bàn thu mua ra khắp cả nước. Tuy nhiên, lượng chó thu về cung không đủ cầu, chỉ đáp ứng được khoảng 20 – 30 tấn/ngày trong khi nhu cầu thực tế là 50 – 70 tấn/ngày.

Cũng theo thông tin của “Người lao động”, một người dân ở đây đã tiết lộ, với nhu cầu như hiện tại, lượng chó cung cấp ra thị trường chủ yếu là chó trộm. “Ở quê này đã có nhiều thanh niên bị cắt gân, đánh cho sưng đầu mà vẫn không bỏ được “nghề” vì nhiều đứa trong số đó bị nghiện ma túy. Chúng đi vồ chó, ngày cũng được 1-2 con, bán được bạc trăm...”.

Tại Hà Nội, khu vực tập kết giết mổ và bán chó nhiều nhất là tại làng Phùng Khoang (Từ Liêm), cầu Mai Động (Minh Khai, Hai Bà Trưng), khu vực Lĩnh Nam (Hoàng Mai)… Theo báo Thanh Niên, tại khu giết mổ trong một quán chuyên bán thịt chó trên đường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, trong những lồng nhốt chó nằm la liệt, có những con chó vẫn còn đeo vòng cổ.

Hàng trăm con chó từ khắp nơi bị nhốt chung trong một điểm tập kết. Trong số chúng, rất nhiều con là chó bị trộm

Ăn thịt chó, liệu còn an toàn?

Có thể nói, thịt chó là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Một 100g thịt chó cung cấp 348 kcal, gấp 1,5 lần thịt gà, gần 1,4 lần thịt bò và thịt lợn. Thịt chó chứa một số thành phần dinh dưỡng cơ bản như protein, lipit, vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3, Vitamin C, canxi, sắt... Từ xưa, thịt chó đã được nhiều người sử dụng như một phương thuốc điều trị các bệnh đau xương mỏi gối, đau nhức cơ thể do lạnh.

Bên cạnh các món ăn từ thịt chó, những món ăn được làm từ nhiều bộ phận trên cơ thể chó cũng có tác dụng không nhỏ: Xương chó giúp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân có thể trạng ốm yếu, cải thiện gân cốt, sinh cơ, chống loét, hoạt huyết… Nhiều người dùng chó để nấu cao ngũ cốt, kết hợp giữa xương chó, xương bò hoặc lợn, gà, trăn, khỉ để nấu thành cao bồi bổ sức khỏe.

Tuy nhiên, với tình hình giết mổ chó thịt chưa được quản lý chặt chẽ như hiện nay, đặc biệt, thịt chó không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, rất nhiều trong số đó là chó trộm bị trúng bả, việc ăn thịt chó trở nên đặc biệt nguy hiểm.

Bả chó được làm bằng nhiều nguồn chất độc như thuốc trừ sâu, thuốc chuột. Khi chó trúng bả, lượng chất độc này sẽ ngấm vào máu và nhiễm vào thịt chó. Việc chế biến không loại trừ được hết các chất này. Độc tố sẽ tác động tiêu cực tới cơ thể người ăn, phản ứng nhẹ sẽ gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, gia tăng bài tiết, nặng có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Món ăn này tiềm ẩn nhiều nguy cơ do việc đánh bắt chó bằng bả

Sử dụng thịt chó không rõ nguồn gốc còn mang đến nguy cơ nhiễm bệnh dại. Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thịt chó khi được nấu chín thì virus dại đã bị tiêu diệt nên không thể gây bệnh cho người ăn. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở khâu giết mổ, chế biến thịt chó sống. Nước dãi của chó chứa các virus dại, dễ rơi rớt sang các chỗ khác như quần áo của người giết, dao thớt, qua ruồi rồi rơi vãi vào thức ăn gây hiện tượng nhiễm chéo. Tiết canh chó còn nguy hại hơn thịt chó rất nhiều vì đó là thực phẩm sống.

So với thịt các động vật khác như trâu, bò, thịt chó có tính phức tạp hơn rất nhiều do chúng ăn tạp nên dễ bị nhiễm nhiều giun, sán hơn. Lây nhiễm sán dãi chó và ấu trùng sán dãi chó (Toxocara canis) có thể gây mù mắt, gây chứng điên loạn hoặc gây suy yếu các bộ phận nơi sán trú ngụ khác như gan, lách, phổi. Người bệnh có thể tử vong do nhiễm trùng.

Sử dụng thịt chó không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng còn có nguy cơ ăn phải thịt chó bệnh, chó đã chết mà không biết do việc chế biến thịt chó sử dụng nhiều gia vị mạnh và nhiệt độ cao nên dễ mất mùi, khó nhận biết. Chính vì điều này, người tiêu dùng sẽ vô tình tự đưa mình vào nguy hiểm mà không nhận ra.

Tác giả: Thư Lâm

Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok