Trong tỉnh

TP Sầm Sơn, Thanh Hóa: Công trình sửa chữa thuyền bè bị bỏ hoang

Công trình khu sửa chữa tàu bè (được người dân địa phương gọi là Triền Đà) tại phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng từ đầu năm 2011, với số vốn gần 10 tỷ đồng. Thế nhưng từ khi xây dựng xong, dự án bỏ không, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, vận chuyển ngư cụ, hàng hoá của người dân địa phương.

Quy mô công trình bỏ hoang. Ảnh: N.Hưng

Theo người dân, công trình có diện tích nhỏ, quy mô tàu thuyền thực tế lại lớn, địa thế không phù hợp nên công trình bỏ hoang gần 7 năm nay.

Ông Hoàng Văn Hùng (ngư dân tại phường Quảng Cư) cho biết: “Tàu, thuyền của ngư dân trên dưới 800CV, có muốn ra vào đây sửa chữa cũng chịu. Diện tích của Triền Đà không đến 600m2, kết hợp với dốc tính từ mặt nước lên cộng với dòng chảy của nước sông mạnh nếu không có công cụ hỗ trợ thì chuyện đưa một chiếc thuyền lên sửa chữa không phải chuyện dễ”.

Nhiều ngư dân cho rằng, trước đây khi chưa xây dựng công trình trên thì việc đi lại, vận chuyển ngư lưới cụ của người dân thuận tiện hơn. Còn sau khi công trình xây dựng xong lại tạo thành khúc cua gấp khiến cho việc đi lại vất vả, nguy cơ xảy ra tai nạn rất lớn. Gần đây nhất là vụ hai vợ chồng sống tại phường Quảng Tiến (Sầm Sơn) chở nhau trên xe máy, khi đến khu vực này không quan sát đã lao thẳng xuống chân công trình. Người chồng bị chấn thương sọ não, còn vợ ngồi sau bị gãy xương vai, chiếc xe máy hư hỏng nặng. Không những vậy công trình này còn tạo thành một bãi rác mỗi khi có thuỷ triều lên cao hoặc mưa lụt.

Ông Viên Đình Quyền (ở khu phố Thành Thắng, phường Quảng Cư) cho rằng, do việc khảo sát và thiết kế xây dựng công trình này của cơ quan chức năng chỉ phù hợp với việc sửa chữa thuyền, bè có công suất nhỏ mà không tính toán đến sự phát triển, đầu tư mua sắm tàu thuyền công suất lớn của ngư dân như hiện nay. “Bây giờ việc đi lại của người dân rất khó khăn, tai nạn luôn trực chờ. Thiết nghĩ cơ quan chức năng sớm có biện pháp chuyển đổi hay san lấp tạo thành bãi tập kết ngư lưới cụ,dịch vụ hậu cần, sửa chữa máy móc để người dân chúng tôi thuận bề đánh bắt, buôn bán hải sản được tốt hơn”, ông Quyền nói.

Khi phát hiện ra sự bất cập này, UBND phường Quảng Cư đã làm văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa chuyển công năng của công trình cho phù hợp với thực tế. Nhà nước đứng ra đầu tư san lấp, cho thuê vị trí làm dịch vụ hậu cần nghề cá hoặc huy động xã hội hóa, giao cho tổ chức, cá nhân đầu tư. Bởi vị trí này nằm ở phía trong nên không ảnh hưởng tới đê điều, hành lang tiêu thoát lũ.

Để tìm hiểu về vấn đề này, PV đã liên hệ với đại diện của Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Thanh Hóa thì nhận được câu trả lời, Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Thanh Hóa không phải là cơ quan quản lý mà giao cho Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Thanh Hoá quản lý. Thế nhưng, khi PV liên hệ với Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Thanh Hoá thì nhận được câu trả lời là cơ quan này không quản lý công trình trên(?).

Tác giả: Ngọc Hưng - Viết Huy

Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội

  Từ khóa: TP Sầm Sơn , Sầm Sơn , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok