Kinh tế

Tín dụng tăng thấp nhất trong 4 năm qua: Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực

Tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2018 của hệ thống ngân hàng đạt khoảng 14% so với cuối năm 2017 (tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thấp nhất kể từ năm 2014).

Đây là thông tin Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại buổi họp báo sáng 7/1, công bố kết quả hoạt động 2018 và triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019.

“Mức 14% là phù hợp”

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, kết quả 14% so với con số định hướng từ đầu năm 2018 (17%) là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, quy mô tăng trưởng tín dụng của Việt Nam là trên 130% GDP, định hướng của NHNN là làm thế nào điều hành cung ứng vốn cho nền kinh tế, vừa kiểm soát được rủi ro. “Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực; trong đó tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý”- bà Hồng chia sẻ.

Giao dịch tại chi nhánh Vietinbank Đống Đa

Giao dịch tại chi nhánh Vietinbank Đống Đa. Ảnh: Chiến Công

Cụ thể, tín dụng cho lĩnh vực thương mại dịch vụ đứng đầu với mức tăng trưởng gần 16%, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng 12,1% còn tín dụng cho nông nghiệp tăng hơn 8,8%. Mặt bằng lãi suất được duy trì trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế gia tăng, phổ biến khoảng 6 - 9% một năm đối với kỳ hạn ngắn và khoảng 9 - 11% một năm với trung và dài hạn.

Đối với công tác xử lý nợ xấu, ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 150.000 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm còn 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thông suốt, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Thanh khoản đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, nhu cầu mua - bán ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Thị trường vàng trong nước tiếp tục diễn biến ổn định và dao động trong biên độ hẹp trong bối cảnh giá vàng quốc tế diễn biến phức tạp.

Năm 2019, trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và đánh giá kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. “NHNN đưa ra định hướng chỉ tiêu 2019 là khoảng 14%, tiếp tục điều hành theo phương châm an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát ở các lĩnh vực rủi ro, bám sát tình hình và có điều chỉnh linh hoạt”- bà Hồng cho biết.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet tăng tương ứng 33,03% và 18,34% so với cùng kỳ năm 2017; số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 29,74% và 125,85% so với cùng kỳ năm 2017. Đại diện NHNN cho biết, triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng trong thời gian tới.

Trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sẽ tác động như thế nào đối với thị trường ngoại hối Việt Nam trong năm 2019, bà Hồng cho biết, FED dự kiến tăng 2 lần lãi suất trong năm 2019, nhưng các chính sách đều có thể thay đổi… "FED tăng lãi suất sẽ tác động qua kênh tỷ giá và NHNN sẽ theo dõi sát sao, chặt chẽ diễn biến của thị trường nhằm tăng cường khả năng tiếp ứng và ứng phó đối với các biến động” - lãnh đạo NHNN khẳng định.

Không in tiền mới mệnh giá dưới 10.000 đồng

Cũng tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ NHNN Phạm Bảo Lâm cho biết, chủ trương của NHNN là không đưa tiền mới in ra thị trường dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Theo ông Lâm tổng lượng tiền lẻ đã qua lưu thông cung ứng cho dịp này dự kiến tăng 25%, trong đó gồm cả tiền mới in trong năm và tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

Trước đó, từ tháng 4/2018, NHNN đã có chủ trương đẩy mạnh cung cấp tiền mệnh giá dưới 10.000 đồng cho tới hết tháng 11, gồm cả tiền cũ và tiền mới in. “Kể từ tháng 11/2018, NHNN không còn in tiền mới mệnh giá nhỏ 10.000 đồng, nhưng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ vẫn được đáp ứng đầy đủ. Năm 2018, lượng tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng ra thị trường tăng 12% so với năm 2017”- ông Lâm thông tin.

Ông Lâm cũng cho biết chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra thị trường dịp Tết trong 6 năm qua (từ năm 2013) đã giúp tiết kiệm cho ngân sách khoảng 2.590 tỷ đồng. Riêng dịp Tết 2019, NHNN ước tiết kiệm được 390 tỷ đồng.

Tác giả: Trâm Anh

Nguồn tin: Báo Kinh tế và Đô thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok