Trong tỉnh

Tiêu hủy gần 171 nghìn con lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến 16h ngày 14/10, tỉnh Thanh Hóa đã phải tiêu hủy 170.977 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu phi. Tổng trọng lượng 11.945.874 kg.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến 16h ngày 14/10, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 21.686 hộ gia đình; 2.021 thôn; 486 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố.

Các lực lượng chức năng Thanh Hóa phun thuốc phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Ngay từ khi xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là các giải pháp hỗ trợ, tiêu hủy lợn.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2019, giá lợn hơi tăng cao, khoảng 60 - 65 nghìn/kg; trong khi đó, định mức nhà nước hỗ trợ tiêu hủy là 25 nghìn/kg lợn hơi đối với lợn con; 30 nghìn/kg đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác nên trong quá trình tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ tiêu hủy lợn nếu không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ sẽ rất dễ xảy ra các thiếu sót, vi phạm trong việc khai báo, thống kê về số lượng, loại lợn, trọng lượng để trục lợi chính sách.

Để công tác hỗ trợ, tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục, định mức, ngày 16/10, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa mới ra Công điện số 17/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm công tác hỗ trợ tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tiêu hủy lợn đảm bảo đúng quy định trình tự, thủ tục và hướng dẫn của liên ngành; thành lập hội đồng tiêu hủy lợn có đầy đủ các thành phần gồm: UBNG cấp xã, cán bộ chuyên môn cấp huyện (hoặc thành viên Ban chỉ đạo được phân công phụ trách), đại diện thôn, bản, tổ dân phố để lập biên bản kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại; thành lập tổ tiêu hủy trực tiếp tiêu hủy để đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh. Biên bản chẩn đoán, biên bản xác minh thiệt hại, biên bản tiêu hủy phải được ghi chép đầy đủ thông tin và được các thành phần tham gia cùng chủ hộ chăn nuôi ký xác nhận trước khi hoàn thành công tác tiêu hủy.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không đúng về số lượng, khối lượng và loại lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định. Tổ chức kiểm điểm, làm rõ, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể nhất là người đứng đầu, cán bộ phụ trách địa bàn nếu để xảy ra tình trạng vi phạm trong công tác hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh.

Danh sách các đối tượng được hỗ trợ, số lượng, loại lợn và kinh phí hộ trợ phải được các thôn, bản, tổ dân phố thành lập Hội đồng xác nhận và được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn, hội trường UBND xã và trên hệ thống truyền thanh của xã; thời gian niêm yết tối thiểu 2 ngày.

Người đứng đầu nếu để xảy ra các vụ việc vi phạm neenu trên thuộc địa bàn, lĩnh vực mình quản lý phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.

UBND tỉnh cũng giao Sở Tài chính. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nghiêm công tác hỗ trợ tiêu hủy lợn do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo đúng quy định của pháp luật.

Tác giả: MỘC MIÊN

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok