Giáo dục

Tiếp bài “Trường THPT chuyên Lam Sơn lộ nhiều sai phạm”: Những con số “biết nói” bị nghi có… tiêu cực

Báo Bảo vệ pháp luật từng có bài “Thanh Hóa: Trường THPT chuyên Lam Sơn lộ nhiều sai phạm”, nhằm rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục thông tin rõ hơn những bất thường về nguồn ngân sách đã cấp cho Trường THPT chuyên Lam Sơn từ năm 2017 đến năm 2019 và một số vấn đề khác có liên quan.

Nhà trường báo cáo khắc phục sai phạm

Sau nhiền lần lỡ hẹn với lý do “đưa đội tuyển của trường đi thi học sinh giỏi quốc gia…”, Phóng viên báo BVPL cũng có buổi làm việc với ông Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn. Tại buổi làm việc, ông Tuấn phân trần: Kết luận thanh tra số 527, ngày 14/3/2019 của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thanh Hóa có một số nội dung chưa khách quan.

Cụ thể như: trường chỉ có 112 GV, thiếu 10 GV của một số bộ môn như: (Toán, Hóa, Anh Văn…), trường chỉ chọn được 33 GV đủ trình độ đào tạo học sinh thi tuyển quốc gia và quốc tế. Còn việc 4 GV được tuyển, trong đó có 3 GV của Trường THPT Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương) và 1 GV dự bị của một trường đại học về dạy tại Trường THPT chuyên Lam Sơn là vì các GV này đã có nhiều thành tích đào tạo học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, chứ Hiệu trưởng trường không lồng ghép ý đồ cá nhân trong việc tuyển dụng…”…

Tuy nhiên, thông tin mới đây Phóng viên nhận được, lãnh đạo Trường THPT chuyên Lam Sơn đã thừa nhận những sai phạm và có báo cáo khắc phục sai phạm theo kết luận thanh tra.

Ông Chu Anh Tuấn làm việc với PV báo BVPL.

Ông Lê Văn Nguồn, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Trường THPT chuyên Lam Sơn là trường có truyền thống dạy tốt, học tốt của tỉnh, ít nhất có 90% GV của trường đã được tuyển chọn từ các trường THPT khác của tỉnh về đây dạy học. Hầu hết các thầy, cô dạy ở đây đều có học sinh đạt giải cấp tỉnh và quốc gia. Vậy, thử hỏi Bộ GD&ĐT có quy định nào đối với GV trường chuyên không đủ năng lực dạy học sinh giỏi. Việc Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn cho rằng chỉ có 33/112 GV của trường này đủ trình độ dạy học sinh thi tuyển quốc gia và quốc tế, còn các thầy cô khác thì không là không có căn cứ.

Việc chọn 33 GV được dạy thêm 2 ca/buổi được cho là “ê kíp” của hiệu trưởng vì liên quan đến thu lợi 25% trong tổng thu học thêm cho đội ngũ quản lý. Chính vì vậy mới dẫn đến việc mất đoàn kết nội bộ và kiện tụng. Trường THPT chuyên Lam Sơn vi phạm khoản 5, Điều 3 Luật Viên chức năm 2010 trong việc phân công nhiệm vụ cho cán bộ quản lý (CBQL), GV, nhân viên (NV) trong các năm học ; vi phạm Thông tư số 16/2017, ngày 12/7/2012 của Bộ GD&ĐT ban hành chế độ làm việc của GV và vi phạm nhiều điều khoản được quy định tại nghị định, thông tư…liên quan đến lập “quỹ đen”, thu tiền trái phép, do vậy trường này mới ký vào biên bản xử phạt hành chính. Sơ suất của Kết luận thanh tra số 527 của Sở GD&ĐT có chăng là không đề nghị truy thu số tiền trên 200 triệu đồng bị hiệu trưởng làm thất thoát ngân sách nhà nước và đề nghị xử lý nghiêm sai phạm đã nêu trong kết luận thanh tra…

Còn 3 GV được cho rằng “có nhiều thành tích trong đào tạo học sinh đạt giải cấp tỉnh”. Về vấn đề này, ông Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 cho biết: GV Trần Văn Nam (dạy Toán) có 2 học sinh đạt giải cấp tỉnh; GV Nguyễn Thị Hương (dạy Văn) và Hoàng Thị Hằng (dạy Tin học), mỗi cô có 1 học sinh đạt giải cấp tỉnh, hai giáo viên này chỉ có thành tích bình thường so với nhiều GV khác của trường. Việc các thầy, cô làm hồ sơ dự tuyển lên Trường THPT chuyên Lam Sơn, không thông qua ý kiến của Ban Giám hiệu nhà trường không những làm cho Trường THPT Quảng Xương 1 thiếu hụt GV mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của trường. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chất lượng giáo dục của trường bị giảm, kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2019, Trường THPT Quảng Xương 1 đã đứng thứ nhất trong toàn tỉnh...

Những con số bị nghi có… tiêu cực?

Sau nhiều lần đến làm việc để tiếp cận hồ sơ chi ngân sách cho Trường THPT chuyên Lam Sơn, phóng viên được giới thiệu làm việc với bà Lê Thị Huyền, Trưởng phòng Tài chính, Hành chính sự nghiệp của Sở Tài chính. Tuy nhiên, việc được cung cấp hồ sơ không mấy suôn sẻ. Lần thứ nhất, bà Huyền cung cấp “nhầm” nội dung cho PV. Ngày hôm sau, bà Huyền mới cung cấp thông tin tổng hợp từ các quyết định của UBND tỉnh cấp cho Trường THPT chuyên Lam Sơn từ năm 2017 đến 2019.

Cụ thể: năm 2017 chi theo Quyết định số 4763, ngày 9/12/2016 của UBND tỉnh là 42,992 tỷ đồng. Trong đó, chi lương định mức viên chức 21,55 tỷ đồng, còn lại là chi nhiệm vụ đặc thù. Năm 2018 chi theo Quyết định 4821, ngày 13/12/2017 là 41,225 tỷ đồng, trong đó chi lương định mức viên chức là 20,829 tỷ đồng, còn lại là chi nhiệm vụ đặc thù.

Bao gồm: chi học bổng 2,99 tỷ đồng; kinh phí cấp bù miễn giảm học phí cho học sinh theo NĐ 86/CP 46 triệu đồng; Kinh phí huấn luyện đội tuyển và thi đấu quốc tế là 6,953 tỷ đồng; chi Trợ cấp cho học sinh 8,914 tỷ đồng; chi Chế độ cho cán bộ quản lý (CBQL) và GV có học sinh đạt giải 679 triệu đồng; Chi nâng cấp phần mềm MISA 5 triệu đồng; Mua sắm thiết bị nhà ăn, nhà nội trú và thiết bị dạy học là 1,5 tỷ đồng. Năm 2019 chi theo Quyết định số 5068, ngày 17/12/2018 của UBND tỉnh là 46,879 tỷ đồng.

Trong đó, chi lương định mức viên chức là 19,398 tỷ đồng. Còn lại 27,481 tỷ đồng chi nhiệm vụ đặc thù. Gồm: 2,299 tỷ đồng cho học bổng; Kinh phí cấp bù, miễn giảm cho học sinh theo Nghị định 86 là 46 triệu đồng; Kinh phí huấn luyện đội tuyển và thi đấu quốc tế 6,527 tỷ đồng; Trợ cấp sinh hoạt cho học sinh là 9,431 tỷ đồng; Chế độ của CBQL và GV đạt giải là 568 triệu đồng; Mua sắm thiết bị nhà ăn, nhà nội trú và thiết bị dạy học còn thiếu sau quyết toán theo Quyết định số 3958 ngày 14/8/2018 của UBND tỉnh là 694 triệu đồng; Thanh toán dự án cải tạo, sửa chữa cơ sở 2 Trường ĐH Hồng Đức, đáp ứng yêu cầu giảng dạy của Trường THPT chuyên Lam Sơn theo Quyết định 3958, ngày 12/10/2018 của UBND tỉnh là 5,916 tỷ đồng; Sửa chữa nhà truyền thống và sân trường, sân chào cờ theo Quyết định số 3991, ngày 15/10/2018 của UBND tỉnh là 2 tỷ đồng.

Vấn đề là, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa chi nhiệm vụ đặc thù cho Trường THPT chuyên Lam Sơn với số tiền “khủng” lên tới gần 29 tỷ đồng theo quy định chi thường xuyên. Trong khi đó, Trường THPT Đào Duy Từ, có 89 CBGV, năm 2019 được cấp chi thường xuyên là 12 tỷ đồng, trong đó có 10% chi nhiệm vụ đặc thù theo quy định, còn lại là chi lương cho GV. Còn Trường THPT Quảng Xương 1 có 68 CBGV được chi nhiệm vụ đặc thù 900 triệu đồng, hay Trường THPT Hà Trung 1, có 73 CBGV, ngân sách cấp trên 10 tỷ đồng, được chi nhiệm vụ đặc thù khoảng 1 tỷ đồng (10%)…

Như nêu trên, Trường THPT chuyên Lam Sơn có 112 GV được phân bổ ngân sách chi thường xuyên là 19 tỷ 398 triệu đồng. Theo quy định chi nhiệm vụ đặc thù 10%, lẽ ra trường chỉ được chi gần 1,94 tỷ đồng trong nguồn tiền gần 19,4 tỷ đồng để sử dụng vào chi nhiệm vụ đặc thù. Nhưng, UBND tỉnh lại cấp thêm 27 tỷ 481 triệu đồng. Tức là số tiền chi nhiệm vụ đặc thù của trường Lam Sơn hơn 29 tỷ đồng là điều khó hiểu !?

Ngoài ra, theo quy định, chi nhiệm vụ đặc thù đối với các trường THPT gồm: chi khen thưởng, mua sắm thiết bị dạy học, sửa chữa nhỏ, giấy, bút…Thế nhưng, Trường THPT chuyên Lam Sơn lại được chi hơn 8 tỷ đồng từ nguồn nhiệm vụ đặc thù sử dụng vào việc xây dựng cơ bản để cho thuê dịch vụ thể thao, quán ăn và cho Trung tâm ngoại ngữ Sao Mai thuê lại để dạy thêm thu tiền của học sinh trong trường trái quy định.

Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ việc Trường THPT Lam Sơn đề xuất xin từ ngân sách với mức “khủng” và được chấp thuận “dễ dàng” như vậy. Và, làm rõ việc sử dụng tiền ngân sách sai mục đích tại Trường THPT chuyên Lam Sơn, trách nhiệm thuộc về ai?

Tác giả: Phạm Ngọc

Nguồn tin: Báo Bảo vệ pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok