Thế giới

Thông điệp ẩn chứa sau chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam

Chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng thể hiện mối quan tâm chung về tăng cường hợp tác của cả Mỹ và Việt Nam.

Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ vào vịnh ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS USS Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ cùng 6.000 thủy thủ trưa 5/3 vào vùng biển Việt Nam ở Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị kéo dài 5 ngày. Đây được coi là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, đánh giá khi đưa tàu sân bay đến Việt Nam, Mỹ muốn khẳng định sẽ duy trì sự hiện diện của hải quân ở Biển Đông. Về phía Việt Nam, Hà Nội cho thấy luôn chào đón Hải quân Mỹ khi lực lượng này đóng góp vào bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực.

"Việt Nam được chính quyền Tổng thống Mỹ Trump bảo đảm rằng họ sẽ tăng cường mối quan hệ Đối tác toàn diện. Hà Nội phản hồi bằng cách chấp thuận tàu sân bay đến thăm kể từ sau chiến tranh", ông Thayer nói.

Trong họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 12/11 khi thăm cấp nhà nước Việt Nam, Tổng thống Trump cho biết Mỹ vẫn giữ vững cam kết vì một châu Á - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, mong muốn các quốc gia trong khu vực tôn trọng chủ quyền của nhau, tuân thủ pháp luật và thúc đẩy thương mại có trách nhiệm. Về vấn đề Biển Đông, Việt - Mỹ thống nhất chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, bằng các biện pháp ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Theo Giáo sư Thayer, người nghiên cứu lâu năm về an ninh khu vực, tàu Carl Vinson là trọng tâm của lực lượng tấn công của hải quân, thể hiện sức mạnh quân sự to lớn của Mỹ.

"Chuyến thăm đến Việt Nam cho thấy Mỹ có kế hoạch duy trì cam kết ở Đông Nam Á", ông Thayer nói.

Lưu ý đến thời điểm tàu Carl Vinson đến Việt Nam, ông Murray Hiebert, Phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ, đánh giá "pháo đài nổi" của Hải quân Mỹ đến Đà Nẵng không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Hà Nội vào cuối tháng một. Điều đó cho thấy hai nước đang gửi ra thông điệp mạnh mẽ, rằng quan hệ Việt - Mỹ đang được cải thiện ở nhiều cấp độ, kể cả lĩnh vực quân sự.

"Mỹ muốn nói rằng Việt Nam là đối tác quan trọng của mình ở châu Á, còn Hà Nội coi Washington là nhân tố đóng vai trò trọng yếu ở Biển Đông", ông Hiebert cho hay.

Giáo sư John Blaxland, Giám đốc Viện Đông Nam Á, Đại học Quốc gia Australia, cũng đánh giá Mỹ đang coi Việt Nam là một trong những đối tác giúp bảo vệ lợi ích của Washington ở khu vực mạnh mẽ nhất. Lợi ích quốc gia tương đồng giúp hai nước có thể tăng cường hợp tác trong những năm tới.

"Chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ thể hiện sự biến đổi trong hợp tác song phương, theo cách mà Mỹ và Việt Nam nhìn nhận nhau", ông Blaxland nói. Giáo sư này cho rằng hai nước đã chuyển từ cựu thù sang đối tác chiến lược trong khoảng thời gian chưa đến 50 năm một cách đáng kinh ngạc.

Từ góc độ chiến lược an ninh quốc gia, ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp, Tổ chức nghiên cứu Rand, Mỹ, cho rằng với việc tàu sân bay đến Việt Nam, chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump gửi ra thông điệp Washington tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông và sẵn sàng tăng cường chính sách này bằng lực lượng quân sự nếu cần thiết. Về phía Việt Nam, Hà Nội cho thấy kế hoạch hợp tác với các nước lớn bên ngoài khu vực để ngăn chặn các nguy cơ ở Biển Đông.

"Chính quyền của Trump thể hiện rất rõ về sự cần thiết của hợp tác Việt - Mỹ ở Biển Đông", ông Grossman cho hay.

Tổng thống Mỹ Trump và các lãnh đạo Việt Nam như Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi gặp gỡ đều nhấn mạnh đến việc bảo đảm tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật quốc tế. Chính quyền Mỹ cũng khẳng định Việt Nam là đối tác hàng hải quan trọng trong Chiến lược an ninh quốc gia công bố tháng 12 năm ngoái.

Giáo sư Thayer dự đoán hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ đang bước vào giai đoạn mới, Việt Nam có thể tăng mua các thiết bị của Mỹ sau khi Washington dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Hà Nội hồi năm 2016. Khi đến thăm Mỹ tháng 5/2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện mối quan tâm đến việc mua thêm thiết bị quốc phòng từ Mỹ, gồm các tàu dành cho Cảnh sát biển. Việt Nam được cho là đã chi 79 triệu USD để mua thiết bị của Mỹ. "Con số này có thể sẽ tăng lên trong năm nay", ông Thayer nói.

Tháng 12/2017, tàu tuần dương lớp Hamilton USCGC Morgenthau mà Mỹ bàn giao cho Việt Nam đã cập cảng Vũng Tàu. Tàu này mang tên CSB-8020, thuộc biên chế Cảnh sát biển Việt Nam. Đầu năm nay, Naval Today đưa tin Lực lượng Tuần duyên Mỹ dự kiến loại biên tàu tuần tra USCGC Sherman và có thể chuyển giao cho Việt Nam, theo chương trình Bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA).

Chuyên gia người Australia hy vọng việc tàu Carl Vinson đến thăm sẽ tạo tiền lệ để Việt Nam đón các chuyến thăm khác, diễn ra hàng năm. Ông Thayer đánh giá Mỹ và Trung Quốc vẫn tăng cạnh tranh ở Biển Đông, nhưng hai bên sẽ thận trọng để tránh leo thang căng thẳng. Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu tuần tra bảo vệ tự do hàng hải đến khu vực, tổ chức diễn tập hải quân chung với các đồng minh và đối tác. Nếu như Anh đã tuyên bố sẽ thực hiện tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong năm nay, thì Australia, một đồng minh khác của Mỹ, đang đứng trước áp lực cần tham gia tuần tra chung với Washington. Trung Quốc sẽ giám sát các tàu tuần tra này nhưng sẽ không ngăn cản các tàu chiến quốc tế đi vào Biển Đông, ông Thayer dự đoán.

Tỏ ra thận trọng về việc mua bán vũ khí giữa Mỹ và Việt Nam, ông Grossman khuyến cáo Việt Nam cần xem xét mình có thể hợp tác đến mức độ nào với Mỹ. Nếu muốn mua các thiết bị hiện đại từ Mỹ, Hà Nội cũng cần cân nhắc về sự phù hợp với quân đội, duy trì sự đa dạng hóa các đối tác khác như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, nhận định chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ thể hiện hai bên đã "thấy thoải mái hơn trong các hoạt động hợp tác quốc phòng quy mô lớn".

"Đây là một kết quả tự nhiên, nhưng không hề dễ dàng có được, từ nỗ lực liên tục của hai bên nhằm vun đắp cho quan hệ quốc phòng song phương trong suốt 10 năm qua", ông Hiệp nói.

Chuyên gia của ISEAS khuyến cáo Việt Nam và Mỹ cần tận dụng "đà" từ sự kiện tàu sân bay để biến các hoạt động hợp tác quy mô lớn thành một trạng thái "bình thường mới". Các hoạt động đó bao gồm các chuyến thăm thường xuyên của tàu chiến Mỹ, gồm tàu sân bay, các cuộc tập trận chung, hoạt động mua bán trang thiết bị, vũ khí, sản xuất chung vũ khí và trang thiết bị quân sự. Việc “bình thường hoá” và thể chế hoá các hoạt động hợp tác quốc phòng cấp cao sẽ giúp hai bên làm sâu sắc hơn và thực chất hơn mối quan hệ Đối tác toàn diện, giúp hai bên đối phó tốt hơn với những thách thức an ninh mới, phát sinh từ những thay đổi đáng lo ngại trong bối cảnh địa chiến lược khu vực hiện nay.

"Việt Nam và Mỹ không nên lo lắng rằng các hoạt động như vậy sẽ làm mếch lòng một bên thứ ba, miễn là chúng không gây ra các mối đe dọa trực tiếp cho bên đó", ông Hiệp nói.

Tác giả: Việt Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok