Giáo dục

Thầy giáo nghi bị tâm thần, không chịu đi chữa

Trước phản ánh về việc thầy giáo B nghi bị tâm thần, Phòng giáo dục động viên thầy B đi khám chữa bệnh nhưng thầy B không đồng ý.

Thầy giáo nghi bị tâm thần là thầy P.T.B (giáo viên trường THCS Bình Phước, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Trong báo cáo gửi Phòng GDĐT huyện Bình Sơn do bà Trần Thị Thu Hà - Hiệu trưởng trường THCS Bình Phước nêu rõ những hành vi bất thường của giáo viên P.T.B: "Phát biểu không chuẩn xác, nói năng và chửi lung tung. Giải thích tâm linh cho học sinh trong giờ dạy và hay đánh học sinh không rõ lý do...".

Vào ngày 25/9 khi có tiết dạy tại lớp 7A, giáo viên P.T.B đánh học sinh vô cớ, làm học sinh hoảng hốt. Nhiều học sinh của trường này cho biết thời gian tới, khi có tiết dạy của giáo viên P.T.B sẽ không học nữa. Những hành vi, lời nói trên của giáo viên này xảy ra nhiều lần gây hoang mang, lo lắng cho học sinh, giáo viên của trường.

Ban giám hiệu và công đoàn trường nhiều lần vận động giáo viên P.T.B và gia đình, người thân đưa thầy giáo này đi khám, chữa bệnh nhưng không đạt kết quả.

Vì vậy BGH trường THCS Bình Phước kiến nghị chính quyền xã Bình Phước và phòng GDĐT huyện Bình Sơn có hướng giải quyết.

Trường THCS Bình Phước, huyện Bình Sơn, nơi giáo viên P.T.B đang dạy (ảnh cổng thông tin điện tử huyện Bình Sơn)

Trao đổi với báo chí, ông Hồ Tấn Sỹ - Trưởng phòng Giáo dục huyện Bình Sơn cho biết: "Đã nhận được văn bản của Hiệu trưởng trường THCS Bình Phước, xã Bình Phước phản ánh về giáo viên P.T.B, bị nghi mắc bệnh tâm thần. Dù phòng GDĐT động viên đi khám, chữa bệnh nhưng hiện ông P.T.B không đồng ý".

Còn nhớ hồi đầu năm 2014, nhiều người xôn xao trước tình trạng nhiều giáo viên mắc bệnh tâm thần.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho hay thời gian đó Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai liên tục đón nhận bệnh nhân là những giảng viên, giáo viên từ nhiều địa phương trên địa bàn cả nước. Trong đó, số bệnh nhân thuộc địa bàn Hà Nội nhiều hơn, các bệnh nhân này đều có dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

Bác sĩ kể: "L.Đ.V 27 tuổi, quê Lạng Sơn, giáo viên cấp 3. Do bị bố trí chuyên môn từ dạy Toán sang dạy thể dục, thầy V. lúng túng. Sau một thời gian không thích nghi được với năng lực của mình, trăn trở vì bị thuyên chuyển mà không được biết lý do, thầy V. mắc căn bệnh trầm cảm. Gia đình đưa đi bệnh viện khám thì phát hiện V đã bị nặng, mắc bệnh tâm thần".

Cũng giống như trường hợp trên, giáo viên T.T.N (32 tuổi) là giáo viên một trường cao đẳng nằm trên địa bàn Hà Nội cũng bị nhà trường bố trí dạy sai chuyên môn nên có những biểu hiện tâm lý bất thường.

Chị N. có chuyên môn về âm nhạc, nhưng bị lãnh đạo nhà trường bố trí dạy môn thể dục, khiến chị N.có biểu hiện “bất mãn”. Hàng ngày, N.không nói nhiều. Thêm vào đó là sự “quan tâm” của mọi người với hàng loạt câu hỏi vì sao chị lại chuyển từ âm nhạc sang dậy thể dục khiến tâm lý chị N. càng thêm rối loạn. Sau một thời gian thấy N. có những biểu hiện như thế, gia đình đưa đi khám và xin nằm lại để điều trị bệnh tại viện.

Tác giả: Anh Thư

Nguồn tin: Báo Đất việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok