Thể thao

Thanh Hóa trả giá vì bầu Đệ

Dù có công đưa Thanh Hóa lên hàng đội mạnh ở V-League, nhưng cung cách quản lý thiếu chuyên nghiệp của bầu Đệ giờ lại khiến CLB tỉnh nhà khó khăn.

Bầu Đệ đội mũ cối dự khán các trận đấu của Thanh Hóa.

Một trong những hình ảnh mang tính thương hiệu của bầu Đệ là cảnh ông đội mũ cối, ngồi dự khán các trận đấu của CLB Thanh Hóa. Những biệt danh như "ông bầu mũ cối", cũng từ đó xuất hiện, báo hiệu cách làm bóng đá khác với số đông của doanh nhân Nguyễn Văn Đệ.

So với những ông bầu có tiếng khác như bầu Đức, bầu Hiển, bầu Thắng, ông Đệ bước chân vào làm bóng đá khá muộn.

Năm 2011, sau thời gian sống lay lắt dù có được nguyên "hồn" Thể Công, Thanh Hóa đã đề nghị ông Đệ, dưới tư cách Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp quản đội bóng. Ý thức được chuyện "mạnh vì gạo, bạo vì tiền", bầu Đệ đề ra cách làm mới. Thay vì trông chờ vào nguồn tiền của một, hai nhà tại trợ, ông kêu gọi hơn 40 doanh nghiệp trong tỉnh chung tay, mỗi doanh nghiệp chỉ cần tài trợ một tỷ đồng là đủ.

Với nguồn ngân sách dồi dào này, bầu Đệ "lột xác" Thanh Hóa và đưa CLB này trở thành ứng viên vô địch. Năm 2014, 2015, họ đứng hạng Ba. Năm 2017, Thanh Hóa giành ngôi á quân, và bằng điểm với ĐKVĐ Quảng Nam. Năm 2018, đội bóng xứ Thanh tiếp tục giữ vững vị trí này. Chừng đó đủ nói lên rằng, cách làm của bầu Đệ có hiệu quả.

Một tay đưa Thanh Hóa lên đỉnh cao, nhưng bầu Đệ cũng có không ít ồn ào nơi hậu trường, chủ yếu vì cách quản lý không giống ai. Ngay từ những ngày đầu, dù bị coi là dân ngoại đạo, ông Đệ vẫn muốn có những chỉ đạo chiến thuật tới HLV. Hình ảnh ông ngồi sa bàn, úy lạo cầu thủ là chuyện không hiếm. Hễ HLV nào không vừa mắt, bầu Đệ sẽ bằng mọi cách buộc họ phải phục tùng.

Chẳng hạn như năm 2014, ông ra chỉ tiêu vào top 3 cho HLV Mai Đức Chung. Nếu làm được, ông Chung được thưởng 400 triệu đồng, còn không thì bị phạt 400 triệu đồng.

Kết quả, ông Chung "xe ca" chấp nhận rời ghế khi V-League còn 3 vòng. Gần nhất là HLV Nguyễn Thành Công mùa 2020. Bầu Đệ ra quyết định, ông Công phải nộp danh sách đội hình chính thức lẫn dự bị lên lãnh đạo CLB trước trận - một điều tối kỵ với bất cứ nhà cầm quân nào.

Hội đồng kỹ thuật, tổ chức do chính bầu Đệ lập nên và điều hành, giống như một cánh tay nối dài để ông tiến gần hơn với cầu thủ, và bỏ qua HLV.

Thậm chí nếu HLV trưởng muốn thay người trong trận đấu thì cũng phải xin ý kiến cả ban huấn luyện và biểu quyết. Dù nổi tiếng là lành và kiệm lời, những HLV như Mai Đức Chung, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Thành Công lặng lẽ rời xứ Thanh. Cá tính như HLV Lê Thụy Hải cũng rời ghế, chấp nhận đền 3 tháng hợp đồng, vì không muốn ngồi chung thuyền với bầu Đệ.

Bầu Đệ và HLV Lopez chỉ làm việc cùng nhau vài tháng, rồi chia tay.

Tại V-League, những HLV nội luôn chọn cách xử lý theo hướng dĩ hoa vi quý và nể cái tình. Bởi họ cho rằng bất cứ môi trường nào cũng có những tồn tại riêng. Công việc của người làm huấn luyện là chuyên môn, là đạt được thành tích. Những chuyện khác là phụ, và cũng là để tránh điều tiếng trong giới làm nghề, vốn quanh đi quẩn lại chỉ ngần ấy bến đỗ.

Nhưng Fabio Lopez là một trường hợp khác. HLV người Ý quyết định lôi bầu Đệ và CLB Thanh Hóa khi không chịu đền bù hợp đồng do sa thải trước hạn. Vụ việc được trình lên FIFA, và án phạt trị giá 200.000 USD (hơn 4,6 tỷ đồng) đã chờ sẵn bầu Đệ cùng người kế nhiệm.

"Nếu không ai dám làm gì bầu Đệ thì để tôi làm. FIFA đã xử tôi thắng kiện và ông ta sẽ phải trả tiền", HLV Lopez nói chắc như đinh đóng cột.

Vấn đề bây giờ là ai, bầu Đệ - người ký quyết định sa thải Lopez, hay bầu Đoan - chủ mới của Thanh Hóa, sẽ nộp số tiền 4,6 tỷ đồng trên trong vòng 45 ngày nữa. Ai cũng có cái lý của mình, nhưng tựu trung, là sự thiếu chuyên nghiệp của cung cách quản lý.

Nếu chuyên nghiệp, hẳn bầu Đệ đã phải lường trước vụ 4,6 tỷ này, và đề ra những phương án "khóa sổ" từ trước. Nếu chuyên nghiệp, hẳn bầu Đoan và lãnh đạo CLB Thanh Hóa cũng phải nghiên cứu vấn đề này, thậm chí bàn trước hướng giải quyết với người tiền nhiệm.

Quả bóng trách nhiệm lăn giữa hai ông bầu, và CLB Thanh Hóa sẽ là người chịu thiệt. FIFA chỉ biết rằng, đội bóng xứ Thanh, thuộc quản lý của VFF, một thành viên FIFA sẽ phải đứng ra giải quyết vấn đề. Tiền từ túi ai không quan trọng, miễn là 4,6 tỷ đồng chảy về túi Lopez. Trong trường hợp các bên cùng dùng dằng, CLB Thanh Hóa hứng trọn hậu quả: đánh tụt hạng, hoặc thậm chí giải thể.

Bầu Đệ đưa Thanh Hóa đi lên bằng cách làm khác biệt, nhưng cách làm ấy giờ lại khiến chính CLB xứ Thanh lao đao. Phát biểu của HLV Lopez lột tả trọn vẹn vấn đề. Chiến lược gia người Ý khẳng định: "Tôi muốn cho bầu Đệ một bài học, và không quan tâm ai sẽ trả tiền".

Tác giả: Phúc Nguyên

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp

  Từ khóa: Bầu Đệ , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok