Trong tỉnh

Thanh Hóa tìm đầu ra cho người nuôi lợn khi dịch tả hoành hành

Do dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 15 xã ở 3 huyện, thành phố, việc giết mổ, tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ lợn giảm 60%.

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 2.800 trang trại, gia trại, hơn 190.000 hộ chăn nuôi, với tổng đàn lợn 1,2 triệu con.

Cán bộ chốt liên ngành trên quốc lộ 1A phun tiêu độc khử trùng đối với xe vận chuyển gia cầm.

Bình thường trên địa bàn tỉnh này có 448 lò mổ, bình quân mỗi ngày giết mổ khoảng 4.500 con lợn. Thế nhưng qua kiểm tra, hiện nay mỗi ngày giết mổ khoảng 2.000 con, giảm khoảng 60%.

Nguyên nhân là do người dân hoang mang khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn. Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị đang trình phương án tìm giải pháp đầu ra cho người chăn nuôi lợn.

“Đối với những con lợn chưa mắc bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần tìm thị trường để bán, có thể là giết mổ tiêu thụ ngay. Có thể mổ lợn để làm đông, có thể để làm các sản phẩm từ thịt như giò, chả, xúc xích… để giải quyết cho bà con nông dân. Việc nữa là chúng tôi cũng đang mạnh dạn đề xuất cơ chế là hỗ trợ tổ chức cá nhân xây dựng các cụm đông lợn để tiêu thụ lợn cho người dân, tránh ý tâm lý hoang mang và đỡ được thiệt hại nhà nước khi phải hỗ trợ dịch”, ông Giang nói.

Một khó khăn đang đặt ra đối với người chăn nuôi theo gia trại, trang trại ở Thanh Hóa hiện nay là, một mặt lợn đến kỳ nhưng không thể xuất chuồng nhưng ngân hàng đã khóa vốn, các chủ buôn bán thức ăn không hỗ trợ cho vay nợ./.

Tác giả: Sỹ Đức

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok