Trong tỉnh

Thanh Hóa: "Thay thế cán bộ yếu kém nếu không đạt tín nhiệm"

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến khẳng định "Thông qua lấy phiếu tín nhiệm, nếu cán bộ đầu ngành yếu kém, thì phải xem xét lại, hoặc cần thiết thì phải thay thế".

Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hoá khai mạc sáng nay (11/12), đã đặt ra nhiều vấn đề trọng tâm giải quyết về kinh tế, chính trị, thu hút đầu tư, chất lượng đội ngũ cán bộ... Đồng thời đặt ra nhiều thách thức, chiến lược cho phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Bí thư tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến khẳng định, sẽ thay thế, loại bỏ cán bộ yếu kém vì sự phát triển chung. (Ảnh: A.Thắng)

Đáng chú ý, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 29 thành viên HĐND, bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các Trưởng ban của HĐND, Chánh văn phòng HĐND tỉnh và các thành viên UBND tỉnh, cụ thể là Chủ tịch UBND, các Phó Chủ tịch và uỷ viên uỷ ban sẽ là nét mới của kỳ họp lần này.

Bên lề hành lang kỳ họp, trả lời Pháp luật Plus, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến cho biết, trên cơ sở kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm của từng vị lãnh đạo trong diện được lấy phiếu.

Trên cơ sở đó sẽ xử lý theo quy định đối với những thành viên có phiếu tín nhiệm thấp, kiên quyết loại bỏ, thay thế những cán bộ yếu kém, cản trở sự phát triển chung.

"Nhưng chúng tôi cũng quán triệt, kiểm soát và hạn chế thấp nhất việc bỏ phiếu xuất phát từ tình cảm cá nhân, sự yêu ghét. Mục tiêu phải đạt sự khách quan, công tâm, chính xác", ông Chiến nhấn mạnh.

Theo đó, căn cứ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, mỗi vị lãnh đạo sở ngành cần nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong thời gian qua để có cách làm tốt hơn trong thời gian tới. Trường hợp phiếu tín nhiệm quá thấp, sẽ thể hiện uy tín, năng lực của cán bộ đó chưa đạt, chưa được tín nhiệm. Tổ chức sẽ xem xét, nếu cần, thì buộc phải thay thế.

“Thanh Hoá đã và đang trên đà phát triển với khối lượng công việc rất lớn, không thể chấp nhận cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất trong bộ máy”, Bí thư Chiến nói.

Phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn, đặc biệt là hoá lọc dầu, một trong những điểm nhấn chiến lược kinh tế của Thanh Hóa trong thời gian tới.

Kỳ họp sẽ kéo dài trong 3 ngày, HĐND tỉnh sẽ nghe, thảo luận và biểu quyết 11 báo cáo, 23 tờ trình của Thường trực HĐND và 23 báo cáo thẩm tra của các ban HĐND.

Trong kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phải làm rõ những dự án đầu tư công còn chậm tiến độ; tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép còn xảy ra nhiều nơi, đặc biệt là các hoạt động khai thác, tập kết cát trái phép…

Đáng chú ý, theo báo cáo kỳ họp, Thanh Hóa đã đạt được thành tựu tăng trưởng kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với GRDP bình quân đầu người vượt kết hoạch, tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 15,16%. Cơ cấu các ngành kinh tế GRDP chuyển dịnh đúng hướng, tỉ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 12,7% (giảm 1,4%); công nghiệp-xây dựng chiếm 44% (tăng 1,5%); dịch vụ chiếm 36,7%; thuế sản phẩm chiếm 6,6% (tăng 3,2%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 1.990 USD vượt kế hoạch.

Trong kỳ họp thứ 7 lần này, HĐND tỉnh Thanh Hoá cũng sẽ tiến hành bầu bổ sung 3 uỷ viên UBND gồm Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung - GĐ Công an tỉnh; ông Lê Đức Giang - GĐ Sở NNPTNT; ông Đỗ Hữu Quyết - GĐ Sở TTTT.

Tác giả: Hoàng Anh Thắng

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok