Trong tỉnh

Thanh Hóa siết chặt hơn sau động thái 'rút thẻ vàng' của EU

Sản lượng xuất khẩu thủy sản hàng năm của tỉnh Thanh Hóa không lớn, chính vì thế quyết định “rút thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu (EU) đối với ngành thủy sản Việt Nam mới đây không ảnh hưởng nhiều đến tình hình của địa phương.

Tuy nhiên với mục tiêu phát triển bền vững, Thanh Hóa không hề chủ quan, lơ là…

Thanh Hóa có 7.426 phương tiện nghề cá đảm bảo đánh bắt, khai thác hiệu quả

Mặc dù bị ảnh hưởng lớn do cơn bão số 10 và áp thấp nhiệt đới nhưng sản xuất thủy sản trong năm 2017 của tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt 155.380 tấn (đạt 98,7% kế hoạch và tăng 2,7% so cùng kỳ).

Nguyên liệu đánh bắt được chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa và một phần xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc (25.000 tấn), riêng sản phẩm xuất sang thị trường EU chỉ chiếm một phần rất nhỏ (2.300 tấn chả cá Surimi và 60 tấn mắm tôm).

Mặc dù cơ bản không bị ảnh hưởng sau động thái “tuýt còi” của Liên minh Châu Âu, nhưng về lâu dài lại là câu chuyện hoàn toàn khác. “Để nâng cao hiệu quả kinh tế, những năm gần đây ngư dân đã tích cực đầu tư phương tiện công suất lớn tiến hành đánh bắt xa bờ.

Trong tương lai, muốn hợp tác với các tập đoàn nghề cá lớn thì bản thân các chủ phương tiện phải được trang bị đầy đủ kiến thức, nắm vững quy định để chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Vì thế sau quyết định mới đây của EU, thủy sản Thanh Hóa càng phải siết chặt hơn”, bà Hoàng Thị Yến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định.

Nhằm quản lý hiệu quả phương tiện nghề cá, trước đó UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành phân cấp theo Quyết định số 1702/QĐ-UBND và Quyết định 3334/QĐ-UBND. Theo đó, tàu có công suất dưới 20CV sẽ giao cho UBND các huyện, thành phố; tàu trên 20CV giao cho Sở NN-PTNT.

Ngư dân trang bị tàu vỏ thép để đánh bắt xa khơi

Việc chứng nhận nguồn gốc thủy sản được rà soát, đánh giá chi tiết, hàng năm Chi cục Khai thác – BVNL Thủy sản chỉ tiến hành xác nhận nguồn gốc nguyên liệu cho 1-2 trường hợp đáp ứng đầy đủ các yếu tố.

Để ngăn chặn tối đa tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp, xâm lấn vùng biển nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước: Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam – Trung Quốc; Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010; Chỉ thị số 3727/CT-BNN-TCTS ngày 5/5/2017 của Bộ NN-PTNT về việc tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động...

Thực hiện đồng bộ các quy định về quản lý nghề cá, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng, bến cá. Đồng thời tích cực phối hợp với UBND các địa phương ven biển tăng cường công tác tuyên truyền quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp.

Ông Lê Văn Sáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác – BVNL Thủy sản cho biết: “Từ đầu năm đến nay, thông qua các lớp tập huấn, đã tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thủy sản cho hơn 6.500 người. Nhận thức của cán bộ và người dân về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản có sự chuyển biến tích cực, cơ bản dần đi vào nề nếp”.

Thủy sản Thanh Hóa tăng cả năng suất và chất lượng

Qua tìm hiểu thực tế, hiện số đông phương tiện nghề cá trên địa bàn đang tiến hành khai thác trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, một số ít đăng ký hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa và DK1. Riêng việc xâm lấn, khai thác bất hợp pháp ở vùng cấm chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào...

Bên cạnh những mặt tích cực, ngành thủy sản Thanh Hóa vẫn chưa khắc phục triệt để được tình trạng hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ và kích điện khai thác hải sản. Vấn nạn này tập trung chủ yếu ở các xã ven biển có nghề truyền thống và ngư trường gần bờ thuộc địa bàn các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP Thanh Hóa.

Trong 10 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng thuộc Sở NN-PTNT đã thực hiện 113 đợt tuần tra, xử phạt 49 phương tiện, trong đó có 6 vụ tàng trữ, sử dụng kích điện và 43 vụ vi phạm thủ tục hành chính.

Tác giả: VIỆT KHÁNH

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

  Từ khóa: rút thẻ vàng , eu , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok