Kinh tế

Thanh Hóa phấn đấu là hình mẫu phát triển KT-XH

Thanh Hóa tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tiến lên thành một tỉnh công nghiệp; là một hình mẫu của cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Một góc tỉnh Thanh Hóa

Một góc tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa có vị trí chiến lược quân sự, kinh tế quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của "xứ Thanh", là vùng đất địa linh nhân kiệt, nhiều anh hùng dân tộc, một miền văn hóa cội nguồn "cái nuôi" của văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam. Những năm qua kinh tế - xã hội của Tỉnh đạt kết quả ấn tượng và tương đối toàn diện trên nhiều lĩnh vực, xu hướng phát triển của Thanh Hóa ngày càng tốt hơn: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 3 năm qua (2016 - 2018) tăng bình quân 11%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 2,8%/năm, công nghiệp tăng 15,9%/năm, dịch vụ tăng 9,8%/năm; thu ngân sách tăng bình quân 12,3%/năm...

Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội Thanh Hóa đạt được thời gian qua là tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của cả nước. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Tỉnh vẫn dưới mức tiềm năng, Tỉnh vẫn chưa cân đối được ngân sách; chưa khắc phục triệt để tình trạng cho vay nặng lãi "tín dụng đen"...

Để khắc phục được những hạn chế, tiếp tục phát triển, hoàn thành đúng các mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiệm vụ giải pháp lớn, quan trọng nhất đối với Thanh Hóa là đoàn kết, thống nhất, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vì sự phát triển chung của Thanh Hóa và cuộc sống của nhân dân. Tầm nhìn “Tứ Sơn” đang đặt ra cho Thanh Hóa không chỉ có Nghi Sơn mà còn có các thế mạnh khác, đòi hỏi Thanh Hóa tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phải tiến lên thành một tỉnh công nghiệp, hoàn thành và phấn đấu vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước.

Thanh Hóa phải nghiên cứu, có cơ chế, chính sách mới, hấp dẫn, đúng quy định của pháp luật, thúc đẩy mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư hạ tầng quan trọng, trước hết là giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy và “mở cửa bầu trời”; nghiên cứu xây dựng đô thị sân bay văn minh, hiện đại theo xu hướng thế giới; cùng với đó là quan tâm giữ gìn cảnh quan, môi trường, màu xanh của núi rừng, nhất là vùng phía Tây của Tỉnh; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với đào tạo nghề và chuyển đổi nghề để cung cấp lao động có trình độ và tay nghề phù hợp cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là các khu kinh tế, khu công nghiệp trong Tỉnh nhằm phát huy lợi thế chất lượng nguồn nhân lực Thanh Hóa đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với trên 2 triệu lao động.

Cùng với đó, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao trong nông nghiệp; phát triển chăn nuôi, thủy hải sản; khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào vùng nông thôn, vùng núi phía Tây gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tiếp tục đổi mới trong công tác cán bộ, trong quản trị, điều hành, Thanh Hóa phải phấn đấu là một hình mẫu của cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm người dân phải được hưởng lợi cao nhất, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới mức bình quân chung của cả nước; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tác giả: Phương Nhi

Nguồn tin: Báo Chính phủ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok