Trong tỉnh

Thanh Hóa phấn đấu đưa 10.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Để đảm bảo mục tiêu đưa 10.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2019 và những năm tiếp theo, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực.

Thanh Hóa đang thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực phù hợp với từng địa phương để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu 10.000 lao động trong năm 2019. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về xuất khẩu lao động, cũng như công khai đầy đủ, chính xác, minh bạch các khoản chi phí, đóng góp, tiền lương, thu nhập và các quyền lợi của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Ngành phối hợp với các địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động của Trung ương và địa phương; lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc làm của Nhà nước để khuyến khích người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn, nhằm chấn chỉnh, ngăn ngừa các hoạt động dịch vụ môi giới vi phạm pháp luật, đưa hoạt động xuất khẩu lao động của tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tăng nhanh số lượng, chất lượng và ngày càng hiệu quả.

Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có khả năng, uy tín, mở chi nhánh, đặt văn phòng đại diện tại một số địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động. Mặt khác, các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, vận động để giảm tỷ lệ lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại bất hợp pháp, xuống còn dưới 30%...

Các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt chính sách cho vay và nhu cầu vay vốn xuất khẩu lao động, trong đó ưu tiên đối với gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số.

Ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm 2018, toàn tỉnh Thanh Hóa đã đưa được 10.020 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 100,2% kế hoạch, trong đó 11 huyện miền núi đưa 2.760 lao động, nâng tổng số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài lên gần 30.000 người. Số tiền người lao động gửi về nước trên 100 triệu USD.

Xuất khẩu lao động đã góp phần quan trọng, tích cực thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Trong đó, 2 thị trường trọng điểm là Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận lao động cao, đa dạng các ngành nghề, có điều kiện làm việc và thu nhập tương đối tốt và ổn định nên được nhiều lao động đăng ký tham gia (chiếm khoảng 80% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài).

Nhiều địa phương có phong trào xuất khẩu lao động tốt, đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như thành phố Thanh Hóa 620 người, huyện Yên Định 620 người, Đông Sơn 670 người, Hậu Lộc 564 người...

Đặc biệt, một số huyện miền núi thực hiện hiệu quả công tác xuất khẩu lao động, có số người tham gia vượt chỉ tiêu so với kế hoạch như: Huyện Cẩm Thủy 550 người, Thạch Thành 420 người, Ngọc Lặc 350 người, Như Xuân 280 người... Đáng chú ý, có địa phương hàng năm không có người đi xuất khẩu lao động, thì đến năm 2018 đã “khởi sắc” như huyện Mường Lát đã đưa được 70 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…/.

Tác giả: Khiếu Tư

Nguồn tin: Báo TTXVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok