Kinh tế

Thanh Hóa: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

Năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 15,16%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay; thu ngân sách đạt 23.500 tỷ đồng, tăng 5,8 lần sau 8 năm; có 3.222 doanh nghiệp mới thành lập, xếp thứ 7 cả nước…

Thành tích ấn tượng đó được tạo nên bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo số liệu công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa năm 2017 đạt 62,46 điểm, đứng thứ 28 cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, tăng 3 bậc so với năm 2016; trong đó có 06/10 chỉ số thành phần tăng thứ hạng so với năm 2016 (gồm: Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Chi phí không chính thức, Tính năng động của Chính quyền); có nhiều điểm sáng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, nổi bật như: Doanh nghiệp gia nhập thị trường thuận lợi hơn (xếp hạng thứ 9/63, tăng 47 bậc); thủ tục đăng ký doanh nghiệp thay đổi ấn tượng; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cải thiện đáng kể; doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn (xếp hạng thứ 6/63, tăng 40 bậc); gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp được giảm bớt (xếp hạng thứ 39/63, tăng 22 bậc); môi trường kinh doanh có xu hướng chuyển động theo hướng bình đẳng hơn (xếp hạng thứ 48/63, tăng 1,5 điểm); chính quyền tỉnh được đánh giá năng động, sáng tạo hơn trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (xếp hạng thứ 30/63, tăng 0,92 điểm).

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra hoạt động tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, Chỉ số PCI năm 2017 của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đó là: Có 04/10 chỉ số thành phần giảm thứ hạng so với năm 2016 (gồm: Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý) và còn một số chỉ tiêu thành phần mà doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được tiếp tục cải thiện trong thời gian tới như: Cần tập trung cải thiện một số lĩnh vực còn nhiều phiền hà cho doanh nghiệp (thuế, quản lý thị trường, đất đai, bảo hiểm xã hội); giảm bớt các hoạt động thanh tra không cần thiết hoặc trùng lặp (đặc biệt là từ cơ quan thuế, phòng cháy chữa cháy, quản lý thị trường); cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin; giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào thị trường; tăng cường hiệu quả của tòa án để giải quyết các tranh chấp; quan tâm hơn và có thái độ tích cực đối với doanh nghiệp.

Tại Hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2017 và giải pháp cải thiện trong giai đoạn 2018 – 2020, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhận định: Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan, song nguyên nhân chủ yếu vẫn là do trách nhiệm của lãnh đạo một số ngành, địa phương, đơn vị trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chưa nghiêm túc; ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ và trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu; việc công bố công khai các quy hoạch, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính phục vụ việc tiếp cận thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh còn hạn chế.

UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có trên 20.000 doanh nghiệp hoạt động và chỉ số PCI xếp thứ 6 của cả nước. Để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 - 2020 cả về điểm số và thứ hạng, chất lượng của tất cả các chỉ số thành phần, UBND tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Thanh Hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển đi lên của tỉnh và từng địa phương.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, rà soát, kịp thời thay thế, bổ sung hoặc bãi bỏ những thủ tục hành chính liên quan đến khởi sự doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, đất đai, cấp phép xây dựng, môi trường… trên địa bàn tỉnh theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp.

Thứ ba, tập trung huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trước mắt là hoàn chỉnh hệ thống giao thông kết nối các tỉnh, thành, các vùng kinh tế trong nước với nhau và với các quốc gia khác nhằm tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư.

Thứ tư, quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật cao để phát huy lợi thế nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp đầu tư.

Thứ năm, nâng cao tính năng động và tiên phong của người đứng đầu các cấp, các ngành trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với nhà đầu tư, doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; tăng cường tham vấn, đối thoại doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng, ấn tượng tốt đẹp và gắn bó giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ sáu, tiếp tục triển khai sáng tạo, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa với tinh thần các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp.

Thứ bảy, phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong triển khai, khảo sát điều tra PCI; tăng cường giới thiệu và kết nối với các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp.

Mục tiêu năm 2018 PCI Thanh Hóa lọt vào Top 10 và năm 2020 xếp thứ 6 là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, với kết quả đạt được khá ấn tượng trong năm vừa qua, hy vọng, môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thanh Hóa sẽ được cải thiện rõ rệt, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội ở miền Trung.

Tác giả: Trần Đại

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok