Trong tỉnh

Thanh Hoá mua máy XN COVID-19: Ẩn khuất gì với Cty TBYT Thanh Hoá?

Việc Thanh tra tỉnh Thanh Hóa chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm mua máy xét nghiệm COVID-19 tại Sở Y tế và CDC Thanh Hóa, dư luận đặt câu hỏi, giữa Cty TBYT Thanh Hoá - đơn vị cung cấp, thiết bị và lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa có “quan hệ mềm mại” gì không?

Thanh tra tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành kết luận thanh tra chỉ rõ một số hạn chế, khuyết điểm trong quá trình mua máy xét nghiệm COVID-19 tại Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh này như việc đơn vị tư vấn thẩm định giá thu thập thông tin trên một số trang mạng nước ngoài mà chưa thu thập thông tin từ các giao dịch trên thị trường, báo giá nhà sản xuất, đơn vị phân phối cấp 1… để lựa chọn giá tối ưu.

Trong khi đó, Sở Y tế Thanh Hóa chưa thực hiện đầy đủ việc đăng tải thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định. Dù một số báo giá phục vụ thẩm định giá thể hiện không đầy đủ thông tin về ngày, tháng, thời hiệu của báo giá nhưng trong quá trình thẩm định dự toán, Sở Y tế, Sở Tài chính và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa không phát hiện, xử lý kịp thời.

Việc để xảy ra những hạn chế, khuyết điểm của Sở Y tế Thanh Hóa với vai trò chủ đầu tư khiến dư luận đặt câu hỏi nếu làm không đúng quy định, vậy giữa Công ty CP Thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa là đơn vị cung cấp, thiết bị được lắp đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thanh Hóa và lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa có “quan hệ mềm mại” gì không?

Máy xét nghiệm COVID-19 tại CDC Thanh Hóa. Ảnh: PLO

Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc thanh tra tỉnh Thanh Hóa vào cuộc để làm rõ xem có việc tư túi, tư lợi, móc ngoặc hay lợi ích nhóm hay không.

“Với nội dung kết luận thanh tra đã chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm trong quá trình mua máy xét nghiệm COVID-19 tại Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, dư luận và người dân có quyền đặt câu hỏi, sự việc xảy ra như thế, sở y tế Thanh Hóa với vai trò là chủ đầu tư cho móc ngoặc với đơn vị cung cấp thiết bị để nâng giá cao để mua thiết bị y tế để trục lợi hoặc có lợi cho nhà đầu tư hay không. Đó là quyền của người dân, của dư luận” – đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng, dư luận nên tin tưởng vào cơ quan thanh tra của tỉnh Thanh Hóa.

“Dư luận dù đặt câu hỏi kết luận của thanh tra tỉnh Thanh Hóa có khách quan, vô tư không. Tuy nhiên, nếu thấy cơ quan thanh tra kết luận công tâm, vô tư thì đây là sự việc thực tế diễn ra như vậy. Do đó, dư luận không nên quy kết mà cần phải dựa vào kết luận của cơ quan thanh tra sẽ khách quan hơn” – đại biểu Hòa cho hay.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát tại Việt Nam và trên thế giới, người dân rất hoang mang, lo sợ, Đảng và chính quyền cũng vậy. Do đó, trách nhiệm của chính quyền và các ban ngành phải lo cho dân, có trách nhiệm an dân, phải lo cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là quan tâm sức khỏe người dân.

Đáng chú ý, thời điểm đó, mục tiêu là hạn chế thấp nhất, dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm rộng, tỷ lệ nhiễm bệnh, tử vong. Rất may, với sự nỗ lực của Đảng, Chính phủ và các bộ, ban ngành cũng toàn dân, đến nay, Việt Nam chưa có ca nhiễm COVID-19 nào gây tử vong. Đây là vấn đề rất quan trọng của ngành y tế.

Thời điểm đó, việc tổ chức mua sắm các thiết bị, phương tiện máy móc phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh là rất cần thiết, rất quan trọng đối với các sở y tế trong cả nước. Dù biết rằng, đây là tình trạng khẩn cấp nên ngành y tế khi đó có quyền đề nghị các cơ quan chức năng chỉ định nhà thầu để mua các phương tiện, máy móc, vật tư y tế phục vụ phòng dịch trong đó có máy xét nghiệm COVID-19.

Tuy nhiên, đại biểu Hòa cho rằng, có những địa phương, những tổ chức cá nhân đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, lợi dụng việc Chính phủ cho phép, địa phương cho phép mua sắm thiết bị, vật tư y tế để mua những thiết bị y tế phục vụ phòng chống COVID-19, trong đó có máy xét nghiệm COVID-19 với giá rất cao so với giá thị trường.

“Dù đến nay chưa dám khẳng định, các địa phương, tổ chức, cá nhân có hiện tượng móc ngoặc, cấu kết với nhà cung cấp thiết bị máy xét nghiệm cũng như các trang thiết bị vật tư y tế khác hay không. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra tại CDC Hà Nội và một số biểu hiện bất thường tại một số địa phương sau khi xảy ra vụ việc trên đã rút lại không mua hoặc thỏa thuận với nhà thầu đại hạ giá so với giá đã ký hợp đồng” – đại biểu Hòa nêu ý kiến.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, có thể khẳng định, thời điểm xảy ra dịch bệnh cũng là cơ hội của một số người mất đạo đức, thiếu lương tâm của ngành y lợi dụng để trục lợi cá nhân cho riêng mình. Do đó, khi cơ quan thanh tra kết luận chỉ ra rõ sai phạm cần có biện pháp trừng trị thích đáng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng này để làm gương cho những đối tượng khác.

Kết luận Thanh tra tỉnh Thanh Hóa việc sử dụng kinh phí mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh này nêu rõ, gói thầu mua sắm trang thiết bị xét nghiệm virus SARS-COV-2 do Sở Y tế Thanh Hóa làm chủ đầu tư đã được thực hiện theo phương thức chỉ định thầu với mức giá gần 4,8 tỷ đồng. Trong đó, hệ thống realtime PCR tự động được mua với giá 3,796 tỷ đồng.

Cùng với đó, Thanh Hóa cũng đã phải mua 4 bộ hóa chất tách chiết phục vụ cho hệ thống realtime PCR tự động với mức giá 759 triệu đồng. Ngoài ra, Sở Y tếThanh Hóa còn phải mua sắm thêm một gói thầu khác là sinh phẩm, vật tư hóa chất phục vụ cho việc xét nghiệm virus SARS-COV-2 với mức giá hơn 2,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, Công ty cổ phần thẩm định giá và giám định Tiên Phong (TPV) - Chi nhánh Thanh Hóa - đơn vị tư vấn thẩm định giá đã thu thập thông tin trên một số trang mạng nước ngoài về giá các sản phẩm tương tự và lấy báo giá của 3 đơn vị kinh doanh làm cơ sở để so sánh, xác định giá.

Tuy nhiên, đơn vị tư vấn chưa thu thập thông tin từ các giao dịch trên thị trường đối với sản phẩm tương tự hoặc báo giá của nhà sản xuất, đơn vị phân phối cấp 1, đơn vị phân phối độc quyền để tham khảo, lựa chọn giá tối ưu đối với sản phẩm. Bản báo giá của Công ty cổ phần dịch vụ và Thiết bị Y tế Kiến Tạo, không thể hiện thông tin hiệu lực của báo giá.

Trong quá trình thực hiện các bước mua máy xét nghiệm COVID-19, Sở Y tế Thanh Hóa chưa thực hiện đầy đủ việc đăng tải thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu theo theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 7, Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

Một số báo giá phục vụ thẩm định giá thể hiện không đầy đủ thông tin về ngày, tháng, thời hiệu của báo giá nhưng trong quá trình thẩm định dự toán, Sở Y tế, Sở Tài chính và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa không phát hiện, xử lý kịp thời.

Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cho rằng, những hạn chế, khuyết điểm nêu trên trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư là Sở Y tế Thanh Hóa và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị tư vấn thẩm định giá, nhà thầu cung cấp.

Sở Tài chính Thanh Hóa chịu trách nhiệm trong việc phối hợp thẩm định dự toán, trình chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chưa phát hiện, xử lý kịp thời những hạn chế, khuyết điểm của đơn vị tư vấn thẩm định giá.

Sau khi phát hiện những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình mua thiết bị xét nghiệm COVID-19, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Sở Y tế, Sở Tài chính, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra.

Mới đây trao đổi với báo chí, ông Trịnh Hữu Hùng, giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, khẳng định, lãnh đạo Sở Y tế đã, đang chỉ đạo tập thể, cá nhân của sở và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm điểm trách nhiệm trong việc mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch COVID-19 mà kết luận của Thanh tra tỉnh đã chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm.

Tác giả: Tâm Đức

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok