Trong tỉnh

Thanh Hóa: Hàng nghìn người hành hương về Lễ hội Lê Hoàn

Sáng 8.4, tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn (xã Xuân Lập, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa), đã diễn ra Lễ hội Lê Hoàn năm 2022 và tưởng niệm 1017 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Đại Hành Hoàng Đế. Lễ hội đã thu hút hàng nghìn người về tham dự.

Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đặc sắc với chủ đề: “Lê Hoàn một vị tướng – Một vị vua, văn võ kiêm toàn”

Lễ hội Lê Hoàn năm 2022 là hoạt động nằm trong.chuỗi sự kiện mở cửa du lịch năm 2022 của Tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội nhằm tôn vinh vị Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, các vua Lê, các tướng sĩ và nhân dân có công lịch sử dựng nước và giữ nước. Đồng thời là dịp để khơi dậy nét đẹp truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng của vùng đất, con người Xứ Thanh. Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Diễn ra trong 3 ngày từ 6-8.4 (tức ngày 6-8.4 âm lịch), Lễ hội Lê Hoàn 2022 gồm hai phần chính. Phần nghi lễ với các nghi thức truyền thống: Lễ rước kiệu từ lăng Quốc Mẫu, lăng Hoàng Khảo, lăng Lê Đột về sân rồng đền thờ Lê Hoàn, dâng hương, đọc chúc văn; phần hội là màn trống hội với chủ đề “Hào khí xứ Thanh, tinh hoa hội tụ” và chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đặc sắc với chủ đề: “Lê Hoàn một vị tướng – Một vị vua, văn võ kiêm toàn”, do hàng trăm nghệ sỹ, diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật trong tỉnh Thanh Hóa biểu diễn. Trong khuôn khổ lễ hội, từ ngày 6 đến 8-4, tổ chức không gian trình diễn các trò chơi,trò diễn dân gian truyền thống như Trò Xuân Phả, múa Pồn Pôông, cồng chiêng, đánh mảng, nhảy sạp, bài điếm, bánh trưng nung; Tổ chức hội trại binh, giới thiệu sản vật, đặc sản của địa phương...

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đánh trống khai hội

Lễ hội Lê Hoàn là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Thanh Hoá nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao đánh giặc, giữ nước của người Anh hùng dân tộc Lê Hoàn. Thông qua Lễ hội nhằm cũng cố tư liệu, tài liệu phục vụ quá trình lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận các sinh hoạt văn hóa và Lễ hội Lê Hoàn là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Biểu diễn trò Xuân Phả tại lễ hội

Trong khuôn khổ của lễ hội du khách còn được tham gia các trò múa sạp...

Theo sử sách, Lê Hoàn sinh ra và lớn lên tại làng Trung Lập, thuộc Ái Châu (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân) trong bối cảnh đất nước bị các thế lực địa phương nổi lên và cát cứ gây loạn 12 sứ quân. Lê Hoàn đã sớm gia nhập đội quân của Đinh Bộ Lĩnh và được giao 2.000 quân sĩ đánh dẹp 12 sứ quân và được phong giữ chức Thập đạo tướng quân. Vào năm Kỷ Mão (979), triểu đình Nhà Đinh xảy ra biến loạn, đứng trước họa xâm lăng của phong kiến phương Bắc, với tầm nhìn sâu rộng và tư tưởng chọn người đứng đầu trí dũng song toàn, và được sự đồng thuận của ba quân tướng sĩ, Dương Thái Hậu đã lấy long côn mặc cho Thập đạo tướng quân, kiêm phó vương nhiếp chính, lên ngôi Hoàng Đế.

...và múa cây bông của nhân dân các dân tộc huyện Thọ Xuân biểu diễn

Với tài thao lược kiệt xuất, Lê Hoàn đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, đánh tan cuộc xâm lược quy mô của triều đình nhà Tống, giữ yên bờ cõi, mang lại bình yên cho đất nước. Sau khi lên ngôi Hoàng Đế, Lê Hoàn đã đổi niên hiệu là Thiên Phúc, lấy miếu hiệu là Lê Đại Hành Hoàng Đế, mở ra triểu đình Tiền Lê hiển hách, để lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử hàng năm năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Trình diễn nấu Bánh trưng nung tại lễ hội

Ngày 8 tháng 3 năm Ất Tỵ (1005), Anh hùng dân tộc Lê Đại Hành Hoàng Đế băng hà, ở điện Thường Xuân (kinh đô Hoa Lư) hưởng thọ 64 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Lê Đại Hành Hoàng Đế chính là sự kết tinh cao quý những tinh hoa của thời đại ở thế kỷ 10. Những chiến công hiển hách, những thành quả rực rỡ của đất nước thế kỷ 10 đã khẳng định vị trí lớn lao của anh hùng dân tộc Lê Đại Hành Hoàng Đế trong lịch sử dân tộc.

Lễ hội đã thu hút hàng nghìn người về tham dự

Đền thờ Lê Hoàn tại xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân có phong cách kiến trúc đền thờ truyền thống của người Việt và nghi lễ bài trí gắn liền với tâm thức cổ truyền. Đền thờ còn bảo tồn được những nét kiến trúc độc đáo, những tài liệu, hiện vật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa. Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2019.

Tác giả: NGUYỄN LINH

Nguồn tin: baovanhoa.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok