Trong tỉnh

Thanh Hóa: Doanh nghiệp bỗng dưng được “biếu không” 17.000m2 đất vàng?

Chuyện hy hữu tại Thanh Hóa khi doanh nghiệp Lam Sơn được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam “biếu không” 17.000m2 đất đắc địa tại thành phố Sầm Sơn mà gần như doanh nghiệp không phải tốn đồng nào?

Hợp tác kỳ lạ

Vào đầu tháng 05/2018 người dân Tp Sầm Sơn bất ngờ khi thấy khách sạn Công Đoàn trưng biển Công ty Lam Sơn – Khách sạn Công Đoàn, vậy là sau quá trình dài thương thảo hợp tác công ty TNHH Lam Sơn (Cty Lam Sơn) và tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam mà trực tiếp ký kết hợp tác là liên đoàn lao động Thanh Hóa đã có kết quả. Sự việc chẳng có gì ồn ào nếu như cách thức hợp tác của Liên đoàn lao động và Cty Lam Sơn lựa chọn là thuần túy. Tuy nhiên với cách thức hợp tác mới lạ thì 17.000m2 đất có vị trí đắc địa nhất nhì tại thành phố Sầm Sơn “bỗng dưng” thuộc quyền quản lý của Cty Lam Sơn với thời gian lên đến 50 năm.

Qua tìm hiểu được biết. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ủy quyền trực tiếp cho liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa đứng ra đàm phán thương thảo với Cty Lam Sơn thống nhất hợp tác với hình thức: Cty Lam Sơn sẽ được tiếp quản 17.000m2 đất thuộc sở hữu của tổ chức Công Đoàn, sau đó Cty Lam Sơn sẽ bỏ vốn tiến hành xây dựng 2 khách sạn ( một khách sạn 5 sao và một khách sạn 3 sao).

Sau khi xây dựng xong Cty Lam Sơn sẽ trực tiếp vận hành kinh doanh trong thời hạn 50 năm kể từ ngày ký kết. Hàng năm Cty Lam Sơn sẽ chia lợi nhuận với tổ chức công đoàn theo tỷ lệ góp vốn: Tổ chức công đoàn góp 32% vốn tương đương với 112 tỷ đồng ( 36 tỷ đồng là tài sản trên đất, 76 tỷ đồng là lợi thế vị trí mảnh đất. Cty Lam Sơn góp 68% vốn tương đương với số tiền 320 tỷ đồng là tiền dùng để xây dựng 2 khách sạn kinh doanh trên mảnh đất của tổ chức công đoàn).

Sau 50 năm hai bên sẽ ngồi lại với nhau để tiếp tục thương thảo theo tình hình thực tế thời điểm đó, bên cạnh đó Cty Lam Sơn phải sử dụng toàn bộ lao động của tổ chức Công Đoàn hiện có tại khách sạn Công Đoàn và hàng năm Cty Lam Sơn phải chuyển 1,7 tỷ đồng cho tổ chức Công Đoàn bất kể tình hình kinh doanh ra sao. Trong suốt quá trình 50 năm cùng hợp tác kinh doanh, tổ chức công đoàn là đơn vị giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất trên, Cty Lam Sơn chỉ được sử dụng bản công chứng trong các công việc cần thiết.

17.000 m2 đất vàng liệu có về tay doanh nghiệp?

Để rộng đường dư luận và hiểu rõ hơn sự hợp tác giữa liên đoàn lao động Thanh Hóa và Cty Lam Sơn, phóng viên báo PLVN đã có sự trao đổi với ông Ngô Tôn Tẫn, chủ tịch liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa. Ông Tẫn xác nhận tất cả các thông tin trên là chính xác, đồng thời ông nhấn mạnh thêm: “việc hợp tác làm ăn giữa tổ chức Công Đoàn và Cty Lam Sơn với mô hình trên là rất hợp lý và có lợi cho tổ chức Công Đoàn. Xuất phát từ thực tế, dù nằm ở một vị trí đẹp nhưng trước khi Cty Lam Sơn vào hợp tác thì chưa bao giờ khách sạn Công đoàn làm ăn có lãi. Còn đây là hình thức hợp tác liên danh làm ăn chứ không phải bán đất như dư luận đang xôn xao”.

Trước nội dung hợp tác trên một chủ doanh nghiệp bất động sản hoạt động trên địa bàn thành phố Sầm Sơn cho hay, giá trị đất hiện tại ở mảnh đất trên của khách sạn Công Đoàn tại thời điểm này được định giá từ 80 triệu - 100 triệu đồng/m2. Như vậy 17.000m2 sẽ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng, hiện tại ở Sầm Sơn với vị trí đất đẹp như trên thì hàng năm chỉ cần trông giữ xe, cho thuê phao bơi áo tắm thì số tiền thu được cũng lớn hơn 1,7 tỷ mà Cty Lam Sơn phải trả cho tổ chức Công Đoàn hàng năm.

Thời điểm hiện nay doanh nghiệp nếu muốn có một khu đất có diện tích lớn và đẹp như trên sẽ phải tốn rất nhiều chi phí và phức tạp trong thủ tục, tuy nhiên cách thức hợp tác giữa Cty Lam Sơn và tổ chức công đoàn đang làm cho giới doanh nghiệp tại Sầm Sơn hết sức bất ngờ và đặt nhiều nghi vấn. Và nếu đúng như chúng tôi nhận định thì 17.000m2 đất vàng trên của tổ chức công đoàn không sớm thì muộn cũng sẽ về tay Cty Lam Sơn.

Ông Ngỗ Tôn Tẫn - chủ tịch liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Trước tình huống phóng viên đặt ra nếu như doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phá sản thì lấy tiền đâu để chi trả cho tổ chức Công Đoàn, đồng thời những lao động của tổ chức Công Đoàn đang làm tại Cty Lam Sơn sẽ phải xử lý ra sao thì ông Tẫn cho biết, lúc đó sẽ thực hiện theo luật phá sản. Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận hồ sơ của sự hợp tác trên thì ông Ngô Tôn Tẫn chủ tịch liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa từ chối cung cấp và lấy lý do, việc này phải được tổng liên đoàn lao động Việt Nam đồng ý. Nếu nhà báo cần thì có thể tiếp cận tại tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Cty Lam Sơn là đơn vị nào? Nội dung hợp tác chi tiết giữa tổ chức công đoàn và Cty Lam Sơn gồm những điều khoản gì? Liệu có nhóm lợi ích hay sự mờ ám nào trong mối hợp tác này hay không, báo PLVN tiếp tục làm rõ và thông tin tiếp đến bạn đọc.

Tác giả: Đức Thọ

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok