Trong tỉnh

Đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025

Vừa qua, dưới sự chủ trì của ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị để thảo luận, cho ý kiến vào chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu khai mạc Hội nghị về Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, giai đoạn 2021 – 2025.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đã thu được nhiều thành quả nổi bật, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư của tỉnh.

Trong đó, một số dự án công nghiệp trọng điểm đã đi vào hoạt động như: Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy sản xuất dầu ăn và các sẩn phẩm chiết xuất từ dầu, dây chuyền 1 Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn, Nhà máy bao bì Đại Dương... Nhờ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đã thu hút được một số dự án lớn như: Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư 2,793 triệu USD, bến container và khu hậu cần cảng, tổng đầu tư 6.100 tỷ đồng, cảng tổng hợp Long Sơn, tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng...

Cùng với thu hút đầu tư, Khu kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng quy mô và diện tích từ 18.611,8ha lên 100.000ha, đồng thời phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định 1699/QĐ-TTg ngày 7/12/2018.

Ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn, công tác phát triển các Khu công nghiệp cũng có chuyển biến tích cực, đã hoàn tất quy hoạch chi tiết một số khu công nghiệp mới như: Bãi Trành, Ngọc Lặc, Thạch Quảng. Qua đó, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư và tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương trong tỉnh.

Đánh giá về chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu ghi nhận sự đóng góp quan trọng của Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp vào sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên những kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế có sẵn. Sau hơn 16 năm thành lập và đi vào hoạt động, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu kinh tế vẫn chưa hoàn toàn đồng bộ, hiệu quả, công tác xúc tiến đầu tư vẫn còn không ít hạn chế ...

Qua phân tích, đánh giá những kết quả đạt được và những bất cập, hạn chế, các thành viên Ban Thường vụ đề nghị cơ quan soạn thảo chương trình cần phải làm rõ, trả lời các câu hỏi cụ thể như: Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp có những điểm mạnh, điểm yếu như thế nào? Cơ hội, lợi thế, thách thức, sức cạnh tranh có những điểm khác biệt gì so với các Khu công nghiệp của các tỉnh, thành trong nước?

Ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Theo đó, các đại biểu cho rằng muốn đạt hiệu quả cao hơn nữa trong giai đoạn 2021 - 2025, cần phải chỉ ra nguyên nhân những hạn chế, bất cập để giải quyết được những yếu kém nhất, tồn tại nhất, hạn chế nhất. Đồng thời trả lời được câu hỏi Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư chưa, nguyên nhân do đâu? Cần chọn khâu nào, điểm nhấn nào để làm thay đổi tình trạng này trong thời gian tới?

Cùng với những câu hỏi trên, các thành viên Ban Thường vụ đã có những ý kiến gợi mở cho chương trình phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp. Đó là cần xác định cụ thể công tác lập quy hoạch, quy hoạch chi tiết phân khu. Về công tác xúc tiến đầu tư cũng cần có tư duy mới thông thoáng, chủ động hơn, cách làm mới hiệu quả hơn để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới đây.

Về thu hút đầu tư, phải phân nhóm các dự án đã, đang và sẽ đầu tư. Mặt khác quan tâm hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, triển khai xây dựng một số mặt bằng sạch để đón các nhà đầu tư. Trong công tác giải phóng mặt bằng, việc xây dựng đồng bộ hạ tầng khu tái định cư phải đi trước một bước. Cùng với làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho nhân dân, phải tạo chuyển biến tích cực trong quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, quản lý Nhà nước về đất đai. Đồng thời tập trung thi công hoàn chỉnh trong năm 2021 các tuyến giao thông trong Khu kinh tế Nghi Sơn; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhất là dự án lớn đang triển khai nhưng chậm tiến độ; có giải pháp hữu hiệu về huy động vốn, nguồn lực theo thứ tự ưu tiên của các dự án.

Kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng khẳng định, đây là một chương trình rất lớn, được kỳ vọng là một trong 6 chương trình trọng tâm, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhằm tạo ra bước đột phá mới.

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, chỉ đạo cơ quan biên soạn cần tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện lại Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Cần xác định rõ được tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế khác biệt của nơi này so với các khu công nghiệp khác trong nước. Đồng thời, phải tách riêng chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng Khu công nghiệp trọng điểm gồm Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng, Khu công nghiệp Bỉm Sơn.

Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ trọng Hưng cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của các lĩnh vực như: Lập quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, khu tái định cư, công tác xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, huy động nguồn lực... phải làm sao để tỏ rõ với các nhà đầu tư thấy Thanh Hóa đang và sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tâm huyết về với tỉnh. Đồng thời có thái độ kiên quyết trong việc thu hồi dự án đối với các nhà đầu tư không đủ năng lực, ảnh hưởng sự phát triển đi lên của địa phương.

Tác giả: Đào Nguyên

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok