Trong tỉnh

Thanh Hóa: Ai chống lưng cho sai phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường?

Hàng loạt đơn vị chế biến bột giấy và sản xuất giấy vàng mã trên địa bàn 2 huyện Quan Hoá và Bá Thước chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận... vẫn ngang nhiên đi vào hoạt động.

Tháng 06/2018 vừa qua, Chi cục Bảo vệ môi trường Thanh Hóa đã có Văn bản gửi Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến về kết quả phối hợp thanh tra một số cơ sở sản xuất trên địa bàn các huyện Quan Hóa, Bá Thước.

Văn bản nêu rõ, Chi cục Bảo vệ môi trường nhận được đề nghị của Thanh tra Sở về việc tham gia ý kiến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với một số cơ sở sản xuất trên địa bàn các huyện Quan Hóa, Bá Thước.

Sau khi nghiên cứu nội dung, căn cứ kết quả kiểm tra và ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Sở, Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, theo quan điểm chỉ đạo của Giám đốc Sở thì sẽ thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất giấy và bột giấy trên địa bàn huyện Quan Hóa, Bá Thước và Nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các biện pháp xử lý đối với các đơn vị vi phạm theo thẩm quyền.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước thuộc Công ty XNK rau quả Thanh Hóa tại huyện Bá Thước.

Trong đó, cơ sở nào có điều kiện khắc phục tồn tại vi phạm (như hoàn thiện hồ sơ môi trường, đầu tư công trình xử lý chất thải) để hoạt động được thì hướng dẫn, yêu cầu cơ sở thực hiện, khắc phục. Cơ sở nào không đủ điều kiện thì đề nghị UBND dừng hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động theo thẩm quyền.

Trong tháng 4, 5 và 06/2018, Chi cục Bảo vệ môi trường đã tham gia Đoàn thanh tra 13 cơ sở chế bột giấy và sản xuất giấy vàng mã trên địa bàn huyện Quan Hóa, Bá Thước và 01 Nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước, xã Thiết Kế, huyện Bá Thước.

Qua thanh, kiểm tra cho thấy, có 11 cơ sở vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hành vi chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận.

Cơ sở sản xuất của HTX chế biến lâm sản sông Mã, huyện Quan Hóa.

Cụ thể, có HTX chế biến lâm sản sông Mã (Cơ sở 1), HTX Hợp Phát, HTX chế biến lâm sản Quan Hóa, Công ty TNHH sản xuất thương mại Đồng Tâm, Công ty Cổ phần chế biến lâm sản Phú Thành, Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty TNHH sản xuất thương mại Quyết Duy Tuấn (không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường); HTX Hà Long, Công ty TNHH Thương mại Hoàng Vân, HTX Xuân Dương, Công ty TNHH Chế biến lâm sản Bảo Yến (chưa lập lại Kế hoạch bảo vệ môi trường).

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Chi cục Bảo vệ môi trường đề nghị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ thêm việc các cơ sở còn có hành vi vi phạm khác như không đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý nước thải, xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép hay không. Đồng thời có hình thức xử lý đối với các đơn vị đã có hành vi vi phạm (theo nội dung quyết định thành lập đoàn kiểm tra về môi trường) và xử lý theo các hành vi khác.

Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm của Công ty cổ phần chế biến lâm sản Phú Thành không có báo cáo ĐTM được cấp có thẩm quyền phê duyêt. Cơ sở có hành vi vi phạm trên là đúng, tuy nhiên, Chi cục Bảo vệ môi trường nhận thấy việc xử lý vi phạm còn bất cập.

Cụ thể, Công ty cổ phần chế biến lâm sản Phú Thành chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa có dự án đầu tư nên không có cơ sở để thực hiện đánh giá tác động môi trường (đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là cho dự án đầu tư).

Bên cạnh đó, việc khắc phục hậu quả vi phạm đối với Công ty cổ phần Chế biến lâm sản Phú Thành không có tính khả thi. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, đối với quy mô cơ sở đã đi vào hoạt động mà chưa có hồ sơ môi trường thì thuộc đối tượng phải lập Đề án bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận; tuy nhiên, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có văn bản hướng dẫn về việc thực hiện quy trình thẩm định, phê duyệt đối với loại hồ sơ trên.

Tại văn bản, Chi cục Bảo vệ môi trường đề nghị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, lựa chọn xử lý các hành vi vi phạm có tính khả thi cho doanh nghiệp khắc phục hậu quả và tập trung xử lý các vi phạm về xả chất thải vượt tiêu chuẩn cho phép hoặc không có công trình xử lý chất thải. Trên cơ sở đó, yêu cầu doanh nghiệp đầu tư, hoàn thiện các hạng mục về xử lý môi trường trong quá trình hoạt động.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Duy Tân - Văn Huy

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

  Từ khóa: Ai chống lưng , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok