Kinh tế

Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Lối thoát cho nông sản Việt

Để có thể hội nhập và đủ sức cạnh tranh với thị trường thế giới thì tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là “lối thoát” duy nhất cho nông sản Việt.

Ngày 8/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn dàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”.

Diễn dàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước đạt 30,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 13,9 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản đạt 6,23 tỷ USD, xuất khẩu lâm sản đạt 7,5 tỷ USD, tăng 16,8%.

Có 6 nhóm sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD, đó là gỗ, cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm…

Cũng theo bộ này, hiện, cả nước có 2.975 hợp tác xã nông nghiệp tham gia nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 1.082 doanh nghiệp. Đối với các chuỗi nông sản an toàn, có 1.254 chuỗi được chứng nhận với 1.452 sản phẩm như: rau, củ quả các loại, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, điều chè, thịt già, thị bò, thịt lợn, tôm....

Tính đến hết tháng 9/2019, có 1.478 mô hình chuỗi, 1.462 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán sản phẩm nông sản kiểm sát an toàn theo chuỗi tại 63 tỉnh, thành phố.

Theo TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, hiện, nông sản Việt Nam đang xuất khẩu sang 185 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới. Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó tạo thêm nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản.

Các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đều có lợi thế, cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nhờ ưu đãi thuế quan từ các nhóm nước như: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Brunei, Australia, New Zealand…

Tuy vậy, bên cạnh những lợi thế và thuận lợi đang có, ngành nông sản Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đó là hoạt động sơ chế, chế biến, kênh tiêu thụ sản phẩm, tiêu dùng nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống nên chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, thiếu nhãn mác để nhận diện sản phẩm.

Ngoài ra, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có sức cạnh tranh kém, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không nhiều và thường có giá trị xuất khẩu không cao; chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để, giá cả bấp bênh, sản xuất kém hiệu quả, thiếu ổn định bền vững.

Việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người sản xuất chưa bảo đảm các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng cho nên khó đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối. Việc kết nối các khâu của chuỗi, giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẽo, chưa ký kết được những hợp đồng ổn định lâu dài, hay có kế hoạch và chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.

Xuất khẩu nông sản Việt vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Cục hợp tác phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để có thể hội nhập và đủ sức cạnh tranh với thị trường thế giới thì tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là “lối thoát” duy nhất cho nông sản Việt.

Ông Trung đưa ra một số khuyến nghị để làm tăng giá trị của nông sản Việt như: cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm thay đổi thói quen của các hợp tác xã, tổ hợp tác, người sản xuất trong việc sản xuất phải gắn với nhu cầu của thị trường; sản xuất các sản phẩm an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.

Hỗ trợ nông dân kiến thức về sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định (Vietgap, Globalgap, Organic… nhằm sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

“Quy hoạch các vùng sản xuất, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ vùng trồng, diện tích và địa điểm, các điều kiện nhập khẩu sang thị trường đã chấp nhận. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đăng ký và bảo hộ thương hiệu, nhất là các thương hiệu quốc gia, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể; Hướng dẫn các địa phương rà soát lựa chọn các sản phẩm nông sản chủ lực để xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý”, ông Trung cho hay./.

Tác giả: Chung Thủy

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok