Thế giới

Thách thức và uy tín của chiếc ghế trong Hội đồng Bảo an LHQ

Khác với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có vai trò như một diễn đàn tranh luận, Hội đồng Bảo an hướng đến việc ra các quyết định thực dụng và giải quyết khủng hoảng an ninh toàn cầu.

Theo trang web chính thức của Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Trách nhiệm chính của Hội đồng Bảo an là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Các thành viên sẽ nhóm họp bất kỳ khi nào hòa bình bị đe dọa. Hội đồng sẽ phản ứng lại các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu dựa trên từng trường hợp.

Tất cả thành viên của Liên Hợp Quốc đồng ý sẽ chấp nhận và thi hành các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Trong khi các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc chỉ có thẩm quyền "đưa ra đề xuất" cho các nhà nước thành viên, chỉ riêng Hội đồng Bảo an có quyền đưa ra các quyết sách và buộc thành viên phải thi hành, như việc ra nghị quyết trừng phạt chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Vì Liên Hợp Quốc là cơ quan "được sinh ra từ đống tro tàn của Thế chiến thứ hai", Hội đồng Bảo an đặt nặng việc phải ngăn chặn xung đột vũ trang trước khi nó nổ ra. Nhưng khi xung đột đã bắt đầu, mục tiêu của Hội đồng là tìm kiếm giải pháp ngoại giao, theo đuổi giải pháp ngừng bắn hoặc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình.

Cũng chính Hội đồng Bảo an ra quyết định khi nào và ở đâu thì Liên Hợp Quốc cần triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình hay áp đặt lên trừng phạt lên các quốc gia.

Kỳ họp của Hội đồng Bảo an hôm 26/9 do Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì. Ảnh: AFP.

Năm thành viên thường trực Hội đồng là Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp và Anh. Mỗi năm, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bầu ra 5 thành viên không thường trực, đảm nhận nhiệm kỳ 2 năm. 10 thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an hiện tại gồm Bolivia, Ethiopia, Kazakhstan, Hà Lan, Thụy Điển (nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2018); Bờ Biển Ngà, Peru, Ba Lan, Guinea Xích Đạo, Kuwait (nhiệm kỳ đến năm 2019).

Nhằm cân bằng lợi ích các khu vực, cơ cấu của nhóm thành viên không thường trực luôn phải có 5 thành viên từ châu Á hoặc châu Phi, 2 thành viên Mỹ Latin, 1 thành viên Đông Âu, 2 thành viên từ Tây Âu hoặc các khu vực khác.

Nước có mặt trong Hội đồng Bảo an sẽ phải cử một đại diện ở trụ sở Liên Hợp Quốc toàn thời gian để Hội đồng Bảo an có thể nhóm họp ngay khi cần thiết.

"Không phải một thẩm quyền để vui sướng"

Trong bài viết đăng trên Viện Hoàng gia về Quan hệ Quốc tế của Bỉ (EGMONT), nhà ngoại giao Johan C. Verbeke kể rằng "vị trí thành viên không thường trực không phải là đặc quyền để vui sướng, mà là một trách nhiệm phải gánh lấy. Mệnh lệnh đầu tiên và trên hết đối với một thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an là làm việc vất vả".

"Mọi thứ phụ thuộc vào bạn để chứng minh bạn đảm nhận được thử thách. Bạn sẽ bị đánh giá thông qua những gì bạn đóng góp cho cuộc tranh luận, thông qua kiến thức và chuyên môn bạn có đối với vấn đề an nguy, thông qua năng lực bạn chứng minh được trong việc tạo dựng các giải pháp cho vấn đề", ông viết.

Ông Verbeke là người đã có mặt trong các cuộc họp của Hội đồng Bảo an trong giai đoạn 2007-2008, lúc Bỉ cũng đóng vai trò thành viên không thường trực. Bỉ vừa được bầu lại vào Hội đồng Bảo an giai đoạn 2019-2020 còn ông Verbeke hiện giữ chức đại sứ Bỉ tại Mỹ.

Theo nhà ngoại giao này, chiếc ghế trong Hội đồng Bảo an là một thẩm quyền không kèm theo quyền lực.

"Đó không phải là một quyền lực mà bạn có, đó là một thẩm quyền được giao và bạn được kỳ vọng phải sử dụng nó một cách có trách nhiệm. Nền tảng quyền lực của đất nước bạn không thay đổi với việc được bầu vào Hội đồng Bảo an. Nhưng đúng rồi, bạn được trao cho nền tảng an ninh khắt khe nhất, nó cho phép bạn và kỳ vọng bạn đóng góp một cách có trách nhiệm 'vào trách nhiệm chính (của Hội đồng Bảo an) là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế', giúp định hướng các sự kiện trên thế giới".

Cũng chính Hội đồng Bảo an ra quyết định khi nào và ở đâu thì Liên Hợp Quốc cần triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình hay áp đặt lên trừng phạt lên các quốc gia. Ảnh: AFP.


Theo mô tả của nhà ngoại giao người Bỉ, Hội đồng Bảo An - không giống như Đại hội đồng với văn hóa "tranh luận" - có mục tiêu chính là giải quyết các vấn đề, không phải làm phức tạp hóa mọi thứ lên. Hội đồng Bảo an ra các quyết định, nhằm đạt một kết quả xác định. Các câu hỏi đặt ra tại Hội đồng Bảo an thường khó khăn, phức tạp và đòi hỏi nhiều nghiên cứu.

"Không nhiều chỗ cho ý thức hệ tại Hội đồng Bảo an", ông viết và cho rằng một thành viên hiệu quả trong Hội đồng Bảo an đồng nghĩa với việc tránh đi chủ nghĩa giáo điều thực dụng, có trực giác tốt để nhìn nhận đâu là chuyện có thể chấp nhận về chính trị và điều gì là khả thi trong thực tế.

Bên trong Hội đồng, ngoài nền tảng quyền lực ban đầu, sự thể hiện của các thành viên sẽ quyết định thẩm quyền họ có được và các thành viên thường trực sẽ là bên ghi nhận quyền lực này. Các thành viên thường trực sẽ quyết định thành viên không thường trực nào có thể được giao các nhiệm vụ đặc biệt, hoặc được gọi vào các Hội đồng Trừng phạt khác nhau. Vì vậy, đôi khi các quốc gia nhỏ vẫn có thể đạt được thẩm quyền và vai trò lớn hơn quốc gia lớn bên trong Hội đồng Bảo an.

Nhiều giới hạn nhưng vẫn hấp dẫn

Dù những nước thành viên không thường trực có hài lòng hay không, rõ ràng 5 thành viên thường trực sẽ chiếm lấy vị trí thống trị, bắt đầu từ việc họ có quyền phủ quyền các dự thảo nghị quyết. Ngay trong 10 thành viên không thường trực, đó cũng là 10 nước với quyền lực và thẩm quyền khác nhau.

"Bạn phải biết được vị trí của mình", nhà ngoại giao Verbeke viết.

Trong nghiên cứu đăng trên Chuyên san Goettingen về Luật Quốc tế, phó giáo sư Alejandro Rodiles của của Viện Công nghệ Tự trị Mexico nhận định rằng có những giới hạn rõ ràng và được biết đến rộng rãi đối với các thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an.

Tuy nhiên, có những công cụ mang bản chất pháp lý được thiết lập và phát triển trong quá trình tồn tại của Hội đồng Bảo An mà các thành viên có thể sử dụng để tăng cường ảnh hưởng lên công việc cũng như các quyết định của Hội đồng. Sức mạnh của các công cụ này lại phụ thuộc chủ yếu vào các hoạt động ngoại giao được tiến hành thông qua các kênh không chính thức.

David M. Malone, một chuyên gia người Canada về Hội đồng Bảo an, nói rằng vị trí thành viên Hội đồng Bảo an là một sự danh giá, xét việc Hội đồng Bảo an được trao quyền "quyết định các biện pháp ép buộc, trừng phạt kinh tế (như cấm vận) hoạc hành động quân sự tập thể". Hội đồng Bảo an thường được xem là cơ quan quan trọng và quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc. Các quốc gia đóng góp tích cực vào Liên Hợp Quốc sẽ có thêm ảnh hưởng đối với các quyết định của Liên Hợp Quốc nếu họ là thành viên Hội đồng Bảo an.

Thứ hai, theo ông Malone, tư cách thành viên không thường trực có thể làm bật lên vị trí của một quốc gia trong các tranh chấp, và các quốc gia thành viên có thể ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận mạnh mẽ hơn so với bên tranh chấp không phải thành viên. Hiến chương Liên Hợp Quốc có điều khoản rằng "bên tranh chấp không nên tham gia cuộc bỏ phiếu", tuy nhiên định nghĩa "tranh chấp" đã gây tranh cãi không dứt xưa nay.

Cuộc khủng hoảng Syria là một trong những bài toàn chưa thể giải của Hội đồng Bảo an suốt 5 năm qua. Ảnh: AFP.

Lý do cuối cùng, theo chuyên gia người Canada, để vị trí thành viên không thường trực hấp dẫn là nó cho phép các quốc gia theo đuổi các mục tiêu rộng lớn hơn, ví dụ việc Canada thúc đẩy chương trình nghị sĩ sát với mối quan tâm của họ về nhân quyền.

Để có một ghế trong Hội đồng Bảo an, một nước phải vận động được 2/3 thành viên Đại hội đồng bỏ phiếu cho họ. Vì có 193 Đại hội đồng, số phiếu tối thiểu cần cho 2 năm trong Hội đồng Bảo an 129. Quốc gia vừa hết nhiệm kỳ không được tái ứng cử ngay lập tức.

Tác giả: Phương Thảo

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok