Trong tỉnh

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy mùa lễ hội

Thanh Hóa là vùng đất thiêng có nhiều đình, chùa, miếu mạo, khu di tích, diễn ra nhiều lễ hội, thu hút hàng vạn lượt khách thập phương về dự lễ, du xuân, trẩy hội.

Phòng Cảnh sát PCCC số 6 tập huấn nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng xã Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc).

Để tăng cường công tác phòng ngừa, hạn chế tối đa nguy cơ cháy, nổ cũng như thiệt hại do cháy gây ra, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng triển khai có hiệu quả bằng nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực.

Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ xảy ra, góp phần bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và các lễ hội đầu năm 2018, UBND tỉnh đã có Công văn số 837/UBND-NC yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH; triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp, biện pháp về PCCC và CNCH và chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an toàn PCCC ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC tại đơn vị, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp; phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”. Cùng với đó, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tăng cường công tác PCCC, tổ chức ký cam kết, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, không để xảy ra cháy, nổ lớn.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Cảnh sát PCCC tỉnh đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác PCCC và CNCH bảo đảm an ninh trật tự nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, nhất là đối với các cơ sở trọng điểm, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cháy, nổ cao.

Tuy nhiên, vào dịp đầu xuân năm mới, tại các nơi thờ tự, tín ngưỡng tập trung đông người như: Đình, đền, chùa và các khu di tích, địa điểm du lịch tâm linh chúng ta thường gặp cảnh dòng người chen lấn thắp hương, đốt vàng mã với số lượng lớn, đây chính là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến cháy nổ. Trong khi đó, công tác PCCC tại các đền, đình, chùa, khu di tích trên địa bàn chưa được quan tâm đầu tư, có kế hoạch phương án chữa cháy theo quy định. Các thủ nhang, thủ đền, người quản lý trông coi tại các đình, đền, chùa chưa được tập huấn nghiệp vụ PCCC.

Hầu hết các đền, đình, chùa chưa niêm yết nội quy, tiêu lệnh, các biển cấm lửa, cấm hút thuốc và trang bị các phương tiện PCCC tại chỗ. Hơn nữa, tại một số đền, đình, chùa do chưa được cải tạo, sửa chữa nên hệ thống dây dẫn điện đã cũ, các điểm đấu nối chưa gọn gàng cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Bảo đảm an toàn PCCC tại các nơi thờ tự, đền, đình, chùa, khu di tích... trước, trong và sau mùa lễ hội, lực lượng cảnh sát PCCC tỉnh tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót về PCCC.

Đề nghị ban quản lý các đền, chùa, khu di tích tăng cường công tác tự kiểm tra, thực hiện các quy định an toàn trong sử dụng điện, đốt hương, vàng mã. Đầu tư mua sắm trang thiết bị, kiểm tra thay thế các phương tiện PCCC; dự trữ nguồn nước chữa cháy; tập huấn, huấn luyện, bổ sung lực lượng chữa cháy tại chỗ.

Nhắc nhở du khách đốt tiền vàng đúng nơi quy định; tổ chức cho các hộ kinh doanh, dịch vụ ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định, nội quy bảo đảm an toàn PCCC. Đồng thời, tổ chức khảo sát địa hình, giao thông, nguồn nước, phương tiện PCCC, xây dựng phương án xử lý các tình huống cháy, nổ và CNCH nhằm ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ xảy ra.

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy nào tại các nơi thờ tự, đền, đình, chùa, khu di tích. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác PCCC tại các địa điểm trên, ngoài sự vào cuộc của các lực lượng chức năng thì các cấp ủy, chính quyền, ban quản lý đình, đền, chùa, khu di tích cần thực hiện tốt các quy định về an toàn PCCC, có kế hoạch phương án chủ động PCCC. Đặc biệt, người dân đến làm lễ, dâng hương và đốt vàng mã cần thực hiện đúng nơi quy định, qua đó góp phần bảo đảm PCCC, bảo vệ an toàn các đình, đền, chùa, khu di tích và tính mạng tài sản của du khách thập phương đến dự lễ, du xuân.

Tác giả: Phan Ngọc

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok