Kinh tế

Tái cơ cấu nền kinh tế đã có sự chuyển biến về tư duy

Hôm nay (24/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội, trong đó có đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020.

Triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã thể chế hóa bằng 16 nhiệm vụ và chính sách lớn với 120 nhiệm vụ cụ thể nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

“Các bộ, ngành, địa phương nhìn chung đã thực hiện với trách nhiệm cao và thực chất các chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đã có sự chuyển biến về tư duy. Theo đó là quyết tâm và hành động cụ thể của các cấp, các ngành trong trong công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế tư nhân; chú trọng cơ cấu lại các ngành kinh tế, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn; hành động quyết liệt đi liền với giám sát chặt chẽ cải cách thủ tục hành chính như cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Kết quả của nỗ lực kể trên, theo báo cáo vừa được Chính phủ trình Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 24/2016/QH14 về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, trong số 22 nhóm chỉ tiêu được Quốc hội đặt ra, sau 3 năm triển khai, đã có 9 chỉ tiêu hoàn thành, 8 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành và 5 chỉ tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. “Như vậy, tới thời điểm hiện nay, 77% số mục tiêu đã hoàn thành hoặc dự kiến hoàn thành”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, mô hình tăng trưởng đã bước đầu chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội.

“Chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện rõ rệt. Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, đồng thời Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn và hiệu quả đầu tư được cải thiện. Hiệu quả đầu tư tăng thể hiện qua chỉ số ICOR giảm xuống mức 6,42 năm 2016 và 6,11 năm 2017. Như vậy, tăng trưởng kinh tế đóng góp lớn nhờ tăng năng suất lao động và cải thiện đáng kể TFP”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Trong khi đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh đồng thời phải giải quyết những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước và thực hiện cải cách, tìm kiếm động lực tăng trưởng cho giai đoạn sau năm 2020.

Trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. Theo ông Thanh, từ năm 2016, quá trình cơ cấu lại 3 lĩnh vực này đã có những chuyển biến mang tính căn cơ so với giai đoạn trước. Cơ cấu lại đầu tư công đạt bước tiến quan trọng với việc ban hành Kế hoạch Đầu tư công trung hạn, cơ bản thống nhất với Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Hệ thống pháp luật và lộ trình, kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước từng bước hoàn thiện, việc xử lý các dự án yếu kém bước đầu mang lại một số kết quả. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai trên nguyên tắc thận trọng và đã đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, mục tiêu hoàn thành cơ cấu lại 3 lĩnh vực trên trước năm 2019 có thể khó đạt được. “Đối với cơ cấu lại đầu tư công, những hạn chế liên quan đến việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn không đúng tiến độ, vượt dự toán sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của kế hoạch vay, trả nợ công đến năm 2020.

Kết quả thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước mới là bước đầu, đòi hỏi tiếp tục quan tâm thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn nhà nước, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện và phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng còn khó khăn trong thu hút nhà đầu tư tư nhân để tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém”, ông Thanh nói.

Tác giả: Hàn Tín

Nguồn tin: Báo Đầu tư

  Từ khóa: tư duy , tái cơ cấu , kinh tế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok