Pháp luật

Sờ soạng không phải là dâm ô: Lỗ hổng gây nguy hiểm

Vụ việc thầy giáo ở Bắc Giang sờ soạng học sinh được cơ quan chức năng xác định chưa phải hành vi dâm ô khiến dư luận quan tâm còn thắc mắc.

Theo giải thích của các luật sư, hiện vẫn có nhiều cách giải nghĩa về “hành vi dâm ô”, nên các cơ quan tố tụng rất lúng túng khi áp dụng điều luật này vào cuộc sống. Đây sẽ là lỗ hổng lớn trong luật khi những hành vi như sờ ngực, sờ đùi, sờ mông...vẫn được xã hội coi là hành vi dâm ô nhưng lại thường bị bỏ qua.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Chỉ cần lệch một chút sẽ thành vi phạm hoặc không

Trong luật học, "quấy rối tình dục" không phải là lỗi mà là một khái niệm để chỉ nhóm hành vi xâm hại tình dục người khác. Vấn đề là các hành vi quấy rồi tình dục có là hành vi, vi phạm pháp luật và nếu có thì thuộc nhóm vi phạm nào?

Trong Bộ luật Hình sự, không có tội “quấy rối tình dục”. Khái niệm này được mọi người sử dụng và có nội hàm bao gồm đủ loại hành vi với những phương thức tác động đến tình dục của người bị hại, như: quấy rối trên thân thể, quấy rối bằng những từ ngữ, hình ảnh mang tính kích thích về tình dục….

Bộ Luật hình sự cũng chỉ quy định chung về hành vi, điển hình như hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Cụ thể, Điều 146, Bộ luật Hình sự quy định “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Với quy định này, việc xác định hành vi dâm ô không dễ dàng. Đối với hành vi dâm ô, dấu hiệu rõ ràng nhất mà luật quy định là “không nhằm mục đích giao cấu” còn thế nào là “dâm ô” thì chưa được mô tả.

Do vậy, việc kết luận dâm ô hay không phụ thuộc khá lớn vào nhận thức, sự hiểu biết pháp luật và sự tử tế của người thực thi pháp luật.

Chỉ cần lệch một chút về lập luận có thể không vi phạm hoặc vi phạm.

Thậm chí, trong một vụ việc, kết luận về tội phạm còn phụ thuộc vào ý thức pháp luật của người điều tra và những người làm công tác tư pháp. Họ muốn bảo vệ chủ thể nào (nhà trường hay học sinh) thì có thể lâp luận theo hướng mong muốn.

Việc sờ đến "vùng nhạy cảm" của học sinh là điều không chấp nhận được của một thầy giáo. Điều này để lại di chứng lâu dài cho đứa trẻ. Hành vi này phải gọi là “dâm ô”.

Một thầy giáo sờ vào đùi, mông những học sinh dưới 15 tuổi trong khi họ không có nhiệm vụ và quyền hạn được sờ đến những điểm đó trên cơ thể người học không thể không là hành vi dâm ô.

Nhiều nhà luật học cho rằng: một trong các tiêu chí đánh giá mức độ văn minh về pháp lý của một quốc gia là “pháp luật phải bảo vệ được kẻ yếu”.

Trong vụ việc này, người thực thi pháp luật chưa làm được chức năng cao cả ấy của pháp luật, ý thức bảo vệ trẻ em chưa đủ mạnh để vượt qua những lợi ích khác.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải phóng, TP.HCM: Dâm ô về bản chất là chỉ cần có hành vi sờ vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể trẻ em

"Quấy rối tình dục" chưa phải là một thuật ngữ pháp lý nên không có cơ sở để xử lý hành vi này.

Tuy nhiên, nếu ai đó có lời nói khiêu khích, trêu ghẹo người khác, dù có tính dục vọng hay không thì vẫn có thể xử lý xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về hình sự, hiện không có tội danh nào đặc thù cho hành vi này, tuy nhiên có thể xử lý về hành vi "làm nhục người khác", nếu việc quấy rối diễn ra nơi công cộng, đông người.

Trong trường hợp, hành vi đó vượt quá giới hạn, thì có thể truy cứu nhóm tội liên quan đến tình dục: như giao cấu với trẻ em, dâm ô, hiếp dâm".

Hiện nay nhiều người đang hiểu dâm ô và quấy rối tình dục là như nhau. Ở đây, một bên là cách nói dân gian, còn một bên là thuật ngữ trong luật.

Tuy vậy, theo cách hiểu dân gian thì hai cái này có những điểm tương đồng, hành vi như nhau, nhưng tùy đối tượng và mức độ sẽ bị xử lý khác nhau.

Hiện vẫn có nhiều cách giải nghĩa về “hành vi dâm ô”, nên các cơ quan tố tụng rất lúng túng khi áp dụng điều luật này vào cuộc sống.

“Dâm ô về bản chất là chỉ cần có hành vi sờ soạng vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể trẻ em, thay vì chỉ được hiểu là sờ vào bộ phận sinh dục.

Do vậy, dâm ô về bản chất là chỉ cần có hành vi sờ soạng vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể trẻ em, thay vì chỉ được hiểu là sờ vào bộ phận sinh dục.

Có như vậy mới phòng ngừa và răn đe được loại tội phạm dâm ô đang khá phổ biến như hiện nay.

Tác giả: Lê Huyền

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok