Trong tỉnh

Siết chặt quản lý thị trường hoa quả nước ngoài

Dễ như mua rau, giá loạn như cào cào, đó là những câu ví von của người tiêu dùng cho thị trường hoa quả nước ngoài hiện nay. Việc xuất hiện tràn lan, dưới nhiều hình thức kinh doanh, nhiều chiêu trò lách luật khiến cho thị trường hoa quả nước ngoài khó kiểm soát.

Hoa quả nước ngoài được bán tại Siêu thị BigC (ảnh có tính chất minh họa).

Bày bán tràn lan

Qua khảo sát tại các siêu thị, cửa hàng, chúng tôi nhận thấy, hoa quả nước ngoài tồn tại dưới 2 hình thức nhập khẩu và xách tay, mẫu mã đẹp, bắt mắt, đa dạng về chủng loại, như: Táo Mỹ, Úc, kiwi vàng, lê, nho móng tay, nho Mỹ, cherry...

Tuy nhiên giá thành thì mỗi nơi một kiểu, tại các siêu thị BigC, Coopmart, hoa quả nhập khẩu được bày bán khá nhiều, trên 10 loại giá dao động từ 50.000 - 300.000 đồng/kg. Như, táo Gala Newzealand, táo Queen, táo Pink Lady được bán với giá 49.000 đồng/kg, cam Úc 65.000 đồng/kg; táo Rockit 130.000 đồng/kg, nho đen 150.000 - 300.000 đồng/kg... còn tại các cửa hàng kinh doanh cá thể, giá thành có cao hơn chút như táo Rockit bán từ 150.000 - 180.000 đồng/kg; cam Úc từ 70.000 - 100.000 đồng/kg; kiwi từ 350.000 - 500.000 đồng/kg, nho đen từ 250.000 - 500.000 đồng/kg...

Tại kênh bán hàng online, việc mua hoa quả của nước ngoài cũng rất phong phú, đa dạng. Trong vai một khách hàng tìm hiểu về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, chúng tôi được chị T. bán hàng online tư vấn: Em có người nhà ở Mỹ thường xuyên chuyển hoa quả về ăn, nên gửi thêm về để bán, không phải qua các khâu đóng thuế, hải quan... nên giá rẻ hơn các nơi khác.

Khác với các trang bán online giá rẻ, chị H. bán hàng online tạo niềm tin bằng cách giới thiệu: Em lấy hoa quả của công ty, hoa quả được nước ngoài sản xuất theo công nghệ sạch, an toàn, không hóa chất nên giá cao hơn các loại thông thường.

Theo quan sát của chúng tôi, các loại hoa quả nước ngoài được bán trên thị trường mặc dù có dán nhãn hiệu, ký hiệu, mã vạch nhưng tem nhãn trông rất đơn giản, sơ sài, một số nhãn hiệu không ghi rõ ràng các thông số an toàn theo quy định.

Thậm chí, có những loại còn được dán 2 tem nhãn có tên khác nhau. Hỏi về vấn đề này, chúng tôi được nhân viên bán hàng giải thích là do các loại cùng giá nên nhầm lẫn trong lúc dán nhãn.

Có thể thấy, những loại hoa quả nước ngoài được xem là “thượng hạng” này đã không còn xa lạ đối với người tiêu dùng, nó được bày bán phổ biến và chưa bao giờ việc mua bán dễ dàng như hiện nay. Bất cứ đâu, vào siêu thị, ngoài đường, thậm chí ở nhà, chỉ cần có nhu cầu thì dễ dàng có được những cân hoa quả nước ngoài rất tươi, bắt mắt.

Theo đánh giá của người tiêu dùng, giá hoa quả nước ngoài năm nay có phần “dễ chịu” hơn năm ngoái, có những loại giá chỉ bằng nửa. Chị Lê Thị Thúy, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: Hoa quả nước ngoài mua rất dễ dàng, ngồi ở nhà cũng có người mang đến, giá cả lại rẻ hơn. Như, cherry năm ngoái có giá 400.000 - 600.000/kg thì năm nay có thời điểm, có nơi bán chỉ 200.000 đồng/kg.

Giá loạn, ắt hẳn chất lượng cũng loạn theo. Tuy nhiên, theo nhiều người tiêu dùng thì với những chiêu trò kinh doanh hiện nay, giá cao chưa hẳn đã là hàng chuẩn, nên việc mua được hoa quả nước ngoài bảo đảm nguồn gốc, chất lượng không phải dễ dàng.

Cần siết chặt quản lý

Theo Chi cục Quản lý thị trường, trái cây là mặt hàng tiêu dùng thông thường, không nằm trong danh sách những mặt hàng trọng tâm kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường. Tuy nhiên, chi cục vẫn thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử phạt và nhắc nhở người kinh doanh niêm yết hàng hóa đúng nguồn gốc, xuất xứ.

Theo đánh giá của các lực lượng chức năng, nguyên nhân dẫn tới sự nhập nhằng về chất lượng thật - giả, giá hỗn loạn này là do hầu hết các loại hoa quả nhập khẩu trên thị trường đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phần lớn các loại hoa quả được bày bán hiện nay đều mập mờ về chất lượng, người bán hàng có nhiều chiêu thức lách luật, đối phó với lực lượng chức năng.

Như, căn cứ Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, những hàng hóa là thực phẩm tươi như thủy sản, rau quả khi đóng trong bao bì phải ghi nhãn mác hàng hóa. Vì vậy, căn cứ vào mã vạch hay tem nhãn thôi thì chưa đủ để giúp người tiêu dùng thật sự phân biệt 100% nguồn gốc, xuất xứ chính xác của sản phẩm mà còn cần kết nối tem nhãn, mã vạch đó với những quy định khác như tem chống hàng giả.

Theo quy định, việc quản lý, cấp giấy phép kinh doanh cho các hộ kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ được phân cấp cụ thể cho các địa phương. Theo ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: Các hộ thường đăng ký kinh doanh hoa quả nói chung, chứ không đăng ký kinh doanh hoa quả nước ngoài hay nhập khẩu, nên khó nắm bắt được số liệu cụ thể.

Lực lượng chức năng thì mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, do đó, công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, với việc bán hàng online, khiến các lực lượng chức năng khó kiểm soát.

Theo Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT, hoa quả nằm trong danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi vào Việt Nam. Việc kinh doanh, sử dụng các hoa quả nước ngoài không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.

Do đó, để có được những sản phẩm bảo đảm an toàn nguồn gốc, chất lượng, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, nhằm phát hiện các trường hợp buôn bán, vận chuyển hoa quả không bảo đảm chất lượng, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với người tiêu dùng nên chọn mua tại các điểm kinh doanh uy tín, phải quan sát kỹ tem trước khi mua, hạn chế tiêu thụ các loại trái cây trái mùa vụ, các loại trái cây đẹp mã được giới thiệu sạch, hữu cơ nhưng tem nhãn lạ, không rõ xuất xứ.

Tác giả: Thùy Linh

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

  Từ khóa: Kinh doanh , hoa quả , thị trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok