Trong tỉnh

"Sao không phát biểu gì, sao cứ im lặng thế..."

Đó chính là những thắc mắc của ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa với các đại biểu trong phiên chất vấn sáng nay 13/12, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII: “Sao chẳng phát biểu gì cả, sao cứ im im thế, cứ cúi cúi như thế là không được”.

Sáng 13/12, Giám đốc Sở Xây dựng Đào Vũ Việt và Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hải Trung đăng đàn trả lời chất vấn. Ông Việt trả lời về tình hình thực hiện chính sách nhà ở cho người có công, ông Trung trả lời chất vấn về tình trạng tín dụng đen núp bóng doanh nghiệp.

Đây được xem là 2 vấn đề nóng, được dư luận Thanh Hóa và cả nước quan tâm trong thời gian qua. Phiên chất vất được truyền hình trực tiếp cho cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm, theo dõi và gửi câu hỏi qua số điện thoại đường dây nóng của HĐND tỉnh.

Tâm lý ngại “va chạm” ?

Tại hội trường, có 13 ý kiến chất vấn của đại biểu thì chỉ có 2 đại biểu là lãnh đạo địa phương, đó là Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương Trần Văn Công và Bí thư Huyện ủy Thạch Thành Bùi Thị Mười. Các ý kiến còn lại chủ yếu là của các đại biểu HĐND chuyên trách hiện đang làm việc tại các Ban của HĐND tỉnh. Thậm chí có đại biểu chuyên trách phải tham gia chất vấn tới 3 lần. Hoàn toàn thiếu vắng ý kiến của đại biểu các sở, ngành. Vị lãnh đạo UBND tỉnh duy nhất có ý kiến là ông Phạm Đăng Quyền (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa).

Tuy nhiên đó thực chất là phần giải trình thêm lĩnh vực được giao phụ trách theo đề nghị của chủ tọa kỳ họp. Không khí “trầm lắng” đến mức Chủ tọa kỳ họp phải lặp đi lặp lại điệp khúc: mời đại biểu các huyện, các địa phương phát biểu nhưng nhiều thời điểm hội trường rơi vào im lặng, không có cánh tay nào giơ lên.

Ông Lê Nhân Đồng

Ông Lê Nhân Đồng (Phó ban Dân tộc HĐND tỉnh) là đại biểu chuyên trách có tới …3 lần phát biểu chất vấn.

Đến lúc này Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đã phải nói với các đại biểu: "Sao chẳng phát biểu gì cả, sao cứ im im thế, cứ cúi cúi như thế là không được. Đấu tranh với tín dụng đen không phải chỉ ngành công an mà còn là chức năng, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền chứ im như thế là không được". Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đưa ra nhiều gợi ý cho các đại biểu, trong đó có đề cập đến việc ra soát lại các điều kiện kinh doanh của các công ty tài chính liên quan đến lĩnh vực quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư hay việc “vỡ hụi” ở Hậu Lộc nhưng đại biểu HĐND tỉnh liên quan đến ngành và địa phương trên vẫn …im lặng.

 Chủ tịch HĐND tỉnh

Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến nhiều lần phải “mời” đại biểu các huyện phát biểu.

Có hay không nạn “bảo kê” cho tín dụng đen hoành hành?

Đại biểu Cầm Bá Chái (Ban Dân tộc HĐND tỉnh) hỏi Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa: “có hay không hiện tượng bảo kê cho tín dụng đen hoạt động”? Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa) lý giải: “Về việc này, dư luận vẫn đặt ra câu hỏi, còn để chứng minh có hay không ở thời điểm hiện nay là đang khó khăn.

Tuy nhiên, tôi xin hứa với Hội đồng, trong thời gian tới sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên tất cả các lĩnh vực nếu như phát hiện các cán bộ, chiến sỹ có dấu hiệu bảo kê sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định”. Trước đó trong phần báo cáo giải trình, Ông Nguyễn Hải Trung cũng chia sẻ: “Tôi mới về nhận nhiệm vụ được 3 tháng nên vấn đề gì nắm chắc sẽ trả lời trực tiếp đại biểu. Các vấn đề còn lại sẽ trả lời đại biểu và cử tri bằng văn bản”.

 Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung

Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa trả lời chất vấn các đại biểu

Thông tin từ Giám đốc Công an tỉnh tại phiên chất vấn cho biết thêm: hiện nay trên địa bàn tỉnh có 132 Công ty dịch vụ tài chính với 142 cơ sở trên 23/27 huyện, thị, thành phố. Trong đó, đến nay đã có 14 Công ty dịch vụ tài chính dừng hoạt động. Có 1 Công ty đòi nợ thuê Hưng Thịnh Phát ở huyện Hậu Lộc với khẩu hiệu “Đã nợ là phải đòi - Đã đòi là phải trả”.

Hoạt động của tín dụng đen hết sức tinh vi, đăng ký dưới hình thức là Công ty dịch vụ tài chính, Giám đốc công ty là người có đủ điều kiện, tuy nhiên đứng sau là một số đối tượng hình sự đứng ra điều hành cho vay không thế chấp, hồ sơ mua bán tài sản, viết giấy nhận xin việc... nhưng thực ra là hoạt động tín dụng đen với lãi suất cao. Trong quá trình đấu tranh trấn áp tội phạm tín dụng đen, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành khởi tố 31 vụ án, 88 bị can liên quan đến hoạt động tín dụng trái pháp luật.

Điều đáng nói, trong phiên chất vấn vẫn còn thiếu vắng ý kiến của đại biểu khối chính quyền, địa phương.

Tác giả: Quang Duy

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok