Trong tỉnh

Sầm Sơn, Thanh Hóa: Ai đã 'bật đèn xanh' biến nhà trường thành nhà nghỉ 'siêu to khổng lồ'?

Mỗi năm đến hè, khi mùa du lịch chớm đến ở Thành phố biển Sầm Sơn thì ngôi trường Dự bị Đại học Dân tộc nơi đây bỗng chốc “biến hình” thành một nhà nghỉ ‘’siêu to khổng lồ” hoạt động tấp nập suốt ngày đêm.

Mô hình “2 in 1” nhà nghỉ kiêm nhà trường duy nhất cả nước

Mới đây, Báo điện tử Tầm nhìn nhận được phản ánh về hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng tồn tại nhiều năm qua tại trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn (Thanh Hóa). Sau khi nhận được phản ánh, nhóm PV điều tra đã vào cuộc thâm nhập để tìm hiểu, xác minh về sự việc. Trong vai khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng, chúng tôi đã tiếp cận những góc khuất “động trời” xung quanh các hoạt động phục vụ du lịch kỳ lạ tại ngôi trường này. “Bức màn” che đậy sai phạm sẽ dần được vén lên qua từng bài viết sẽ đăng tải trong thời gian tới, nhằm gửi đến bạn đọc những thông tin liên quan đến sự việc có thể xem là “vết nhơ” ở môi trường sư phạm nơi đây nói riêng và bộ mặt nền giáo dục cả nước nói chung này.

Tọa lạc trên con phố sầm uất Lê Văn Hưu, nơi được xem là trung tâm của dịch vụ lưu trú của thành phố biển Sầm Sơn, trường Dự bị Đại học Dân tộc được đầu tư khá quy mô với 2 phân khu riêng biệt. Phân khu 1 là khu nhà hiệu bộ, giảng đường. Phân khu 2 kề bên là phòng học, kí túc xá, nhà ăn và các hoạt động đoàn thể. Hình như, ngay từ khâu thiết kế, những người sáng lập ra ngôi trường này đã “nhìn ra” vấn đề kinh doanh du lịch song song với đào tạo hệ dự bị đại học là con đường lựa chọn tất yếu phải đi. Phân khu B chính là sự chuẩn bị cơ sở vật chất hoàn hảo để thực thi nhiệm vụ biến nhà trường thành… nhà nghỉ. Quả thực, nếu không có tấm bảng tên hiệu ghi tên đơn vị đặt ngay trước cổng, thì chúng tôi đã nhầm tưởng đây là nhà nghỉ hay khách sạn của một bộ ngành hay đoàn thể trung ương nào đó đóng ở đây.

Bước qua cánh cổng vào sân trường, bảo vệ liên lạc hỏi chúng tôi thuê nhà nghỉ hay liên hệ công việc. Khi được biết chúng tôi đi khảo sát cho đoàn du khách sắp tới có nhu cầu ăn ở và tổ chức sự kiện, thì anh bảo vệ giới thiệu cho chúng tôi gặp chị Chung là người phụ trách trực tiếp ở đây. Chị Chung, sau này chúng tôi được biết là đoàn viên công đoàn và cán bộ nhân viên bếp ăn nhà trường dẫn chúng tôi đi thăm quan phòng ốc, giới thiệu đầy đủ các dịch vụ của cơ sở kinh doanh lưu trú, ẩm thực trong nhà trường. Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là ngay trong khuôn viên, bên cạnh các dãy nhà kí túc được cho thuê lưu trú là rất nhiều quần áo, đồ bơi, đồ lót được tranh thủ phơi phóng chằng chịt trước lan can trông rất phản cảm trong môi trường sư phạm đặc thù ở đây.

Chị Chung là đoàn viên công đoàn nhà trường, cũng là người phụ trách trực tiếp các "dịch vụ" ở trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn


Theo đó, nhà nghỉ “siêu to khổng lồ” này có tổng cộng 60 phòng. Trong đó nhà kí túc khu B có 44 phòng, nhà làm việc khu A có 16 phòng. Thời điểm đó là cuối tháng 5, tất cả công tác chuẩn bị đã sẵn sàng để bắt đầu đón khách đoàn từ đầu tháng 6. Còn với khách lẻ nhà trường có thể bố trí quanh năm... Chị Chung cũng cho hay nhà trường ủy quyền cho công đoàn đứng ra tổ chức kinh doanh dịch vụ hàng năm, chủ yếu vào vụ hè. Việc đón những đoàn khách hàng trăm người nhà trường đã có kinh nghiệm hàng chục năm nay, nên nếu chúng tôi có nhu cầu thì cứ yên tâm về dịch vụ. Chị cho biết, hiện đã có một số đoàn khác lớn đã đặt phòng và các dịch vụ ăn uống, giao lưu sự kiện sắp tới.

Theo chân chị Chung, chúng tôi lên thăm các phòng nghỉ tại đây. Các phòng nghỉ khép kín đa phần có 2 giường, điều hòa và khăn trải giường được giặt tẩy công nghiệp trắng tinh như các phòng khách sạn loại bình dân khác. Mùi nước hoa xịt phòng rẻ tiền và chất giặt tẩy công nghiệp xực vào mũi, trong ngăn kéo để bàn không rõ do khách để lại hay nhà trường bố trí còn có cả bao cao su chưa sử dụng. Chị Chung cũng cho hay, khách đoàn cần sinh hoạt tập thể, tổ chức hội họp nhà trường có 2 hội trường quy mô khác nhau. Nhà trường cũng sẵn sàng phục vụ mọi "nhu cầu" như tất cả các nhà nghỉ khách sạn khác... Sau đó, chị Chung còn giới thiệu cả nhà ăn tập thể có thể đáp ứng 250 khách với mọi nhu cầu ẩm thực từ bình dân đến cao cấp dành cho khách hàng.

Các phòng nghỉ khép kín của trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn


Ai “bật đèn xanh” biến nhà trường thành nhà nghỉ?

Sau nhiều lần thâm nhập và phát hiện ra nhiều “góc khuất động trời”, để tìm hiểu sâu hơn về dịch vụ ăn nghỉ của nhà trường, chúng tôi đã chủ động liên hệ làm việc với lãnh đạo nhà trường. Ban đầu, nhân viên bảo vệ cho hay lãnh đạo nhà trường đang tập huấn ở miền trung, đề nghị phóng viên để lại thông tin và sẽ liên lạc lại sau. Với quyết tâm đi tới cùng sự việc, chúng tôi đã liên lạc với lãnh đạo TP.Sầm Sơn để thông tin về dấu hiệu kinh doanh lưu trú, không thực không đúng tại nhà trường. Sau đó, lãnh đạo nhà trường gọi điện thoại mời nhóm phóng viên chúng tôi trở lại văn phòng làm việc.

Tiếp chúng tôi là TS Lê Lâm, phó hiệu trưởng nhà trường. Ông Lâm cho hay, việc kinh doanh dịch vụ lưu trú và trông giữ xe nhà trường tổ chức nhiều năm nay, lãnh đạo nhà trường giao cho công đoàn tổ chức thực hiện. Mỗi năm nhà trường đều xây dựng đề án, và xin ý kiến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc này. Việc kinh doanh dịch vụ đã diễn ra cả thập kỉ nay, thời điểm cụ thể thì ông không nắm rõ... Ông Lâm cũng cho hay năm nay nhà trường cũng đã xây dựng đề án xin ý kiến chỉ đạo của Bộ, và có thể đã có văn bản cho phép. Đề cập đến giấy phép kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm, cam kết bảo vệ môi trường, giấy phép kinh doanh lưu trú của Sở VHTTDL, PCCC, an ninh trật tự, sổ lưu trú tạm trú tạm vắng, giấy phép trông giữ xe… ông Lâm cho hay mình không nắm được cụ thể nhưng tin tưởng tất cả thủ tục đều có đầy đủ. Tuy nhiên, hồ sơ tài liệu hiện đang ở phòng hiệu trưởng và vị này đang đi vắng nên hẹn cung cấp cho phóng viên sau. Liên quan đến hoạt động hạch toán thu chi ông cho rằng tất cả nguồn thu chi đều được lập sổ theo dõi, và lợi tức của hoạt động kinh doanh dịch vụ sẽ được phân chia cho các đoàn viên công đoàn và tái đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường.

Biển trông giữ xe được treo ngay tại cổng trường Dự bị Đại học Sầm Sơn

Câu hỏi đặt ra là, như vậy có phải Bộ Giáo Dục & Đào Tạo có tiếp tay để biến ngôi trường Dự bị Đại học Dân tộc đặc thù này thành nhà nghỉ? Và trên hết, việc kinh doanh dịch vụ khá nhạy cảm này có phù hợp với môi trường sư phạm và nó ảnh hưởng ra sao đến công việc học tập và rèn luyện nhân cách của các học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đang học tập dưới mái trường “2 in 1” độc nhất vô nhị cả nước này?

Tầm nhìn sẽ tiếp tục theo dõi sát sao vụ việc và thông tin đến độc giả cả nước.

Tác giả: Thiên Anh - Quản Trọng

Nguồn tin: tamnhin.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok