Trong nước

Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn: Đoàn ĐBQH Thanh Hóa chất vấn tình trạng tín dụng đen

Ngày 4-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn diễn ra trong 3 ngày từ ngày 4 đến 6-6, được truyền hình và phát thanh trực tiếp. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là người đầu tiên ngồi “ghế nóng” trong phiên chất vấn lần này.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm sáng 4-6.

Các ĐBQH đã tập trung thảo luận về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý; tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em; công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng. Đoàn ĐBQH Thanh Hóa đã chất vấn vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng đen, vấn đề liên quan đến người nghiện ma túy.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa Mai Sĩ Diến nêu thực trạng, vừa qua có một số cán bộ, công chức công an đang có biểu hiện liên minh giữa người có tiền, có quyền với một số đối tượng cộm cán ngoài xã hội, hoạt động với phương châm “khép kín, giấu mình” để can thiệp việc công nhằm trục lợi, dằn mặt những ai tố cáo, kiến nghị vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm. Đây là loại hình hoạt động mang tính chất “xã hội đen”. Vậy, Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong đấu tranh, ngăn chặn và xử lý vấn đề này như thế nào?

Ngoài vấn đề tín dụng đen, Đại biểu Mai Sĩ Diến cũng quan tâm đến vấn đề người nghiện ma túy. Dẫn số liệu báo cáo năm 2019 của Bộ Công an, người sử dụng ma túy từ 16 - 29 tuổi và 30 tuổi trở lên có tỷ lệ gần bằng nhau, theo lý thuyết thì tỷ lệ từ 30 tuổi trở lên phải gấp 2 - 3 lần so với độ tuổi từ 16 - 29 tuổi, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ số liệu trên phải chăng do thành tích của công tác điều trị nghiện hoặc do người sử dụng ma túy bị chết?.

Trả lời, làm rõ vấn đề mà đại biểu nêu chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Quan điểm chung của Bộ Công an rất kiên quyết xử lý các sai phạm về tiêu cực trong nội bộ, không có vùng cấm, không bao che bất kỳ trường hợp nào. Trên thực tế Bộ đã xử lý nhiều trường hợp, kể cả cán bộ cao cấp có liên quan. Đối với cán bộ có thông tin liên quan đến điều hành các băng nhóm tội phạm, chúng tôi khẳng định nếu có thì chỉ là cá biệt. Đồng thời cho biết, Bộ Công an đã có rất nhiều các quy định về kiểm tra, giám sát, luân chuyển, chuyển địa bàn, lắng nghe kỹ ý kiến của nhân dân để phòng ngừa hoạt động này. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ làm việc trực tiếp với đại biểu để nắm thêm thông tin về vấn đề đại biểu phản ánh đang diễn ra, cá nhân nào đó để đấu tranh xử lý nghiêm theo quy định nếu có đủ căn cứ như phản ánh của đại biểu”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Về nội dung thứ hai, liên quan đến tỷ lệ phần trăm giữa người nghiện ở hai độ tuổi như đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết, đây là kết quả điều tra khảo sát và thống kê trên thực tế. Bộ Công an sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp thu ý kiến của đại biểu, đánh giá sâu hơn nguyên nhân tỷ lệ người nghiện giữa hai độ tuổi này gần ngang bằng nhau, sẽ có văn bản gửi đại biểu, nếu có vấn đề liên quan đến chính sách, sẽ đề xuất để nghiên cứu những chính sách.

Chiều cùng ngày, sau khi kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Các ĐBQH đã tập trung chất vấn về quản lý thị trường bất động sản; công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố. Đoàn ĐBQH Thanh Hóa đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư; về những tồn tại trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình.

ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Đoàn DDBQH Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chiều 4-6.

Chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong đầu tư xây dựng và cải tạo các khu chung cư hiện nay có trách nhiệm quản lý của Bộ Xây dựng về công tác quy hoạch, thẩm định và cấp phép xây dựng, để trả lại mỹ quan đô thị, đồng thời đảm bảo ổn định sinh hoạt đời sống của nhân dân cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội tại các địa phương, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết những giải pháp cơ bản nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên?.

Trả lời chất vấn của đại biểu Cầm Thị Mẫn về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thẳng thắn nhận trách nhiệm, thời gian qua Bộ Xây dựng chưa kịp thời phối hợp với các địa phương để xử lý tốt các vấn đề chung cư. Để khắc phục tồn tại này, Bộ trưởng cho biết giải pháp thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương nghiên cứu cụ thể tình hình thực hiện cải tạo chung cư để đề xuất Chính phủ những giải pháp mới, cơ chế chính sách mới, nhất là giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc cải tạo phá dỡ các chung cư cũ.

Trong khi đó, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa Mai Sĩ Diến cho rằng, việc thực hiện trình tự, thủ tục, quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu khối lượng công trình còn vi phạm, gây thất thoát vốn ở một số khâu. Điều này có nguyên nhân chủ quan theo ý chí của nhà thầu, của những người trong cuộc theo nguyên tắc chuyên môn càng sâu mà đạo đức công vụ càng nông thì việc vi phạm càng tinh vi, chi phí cho việc trình duyệt càng chu đáo thì việc phê duyệt càng thuận lợi.

Cũng theo đại biểu, tùy vào tính chất mỗi dự án, nguồn gốc vốn đầu tư mỗi dự án khác nhau thì tồn tại tỷ lệ phần trăm tiêu cực khác nhau trong thực hiện các dự án đầu tư. Những vi phạm trên chủ yếu do kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý. Bộ trưởng đã có chỉ đạo gì đối với thanh tra chuyên ngành trong việc thanh tra, kiến nghị, xử lý nhằm chủ động ngăn chặn tồn tại nêu trên? – ĐB Mai Sĩ Diến nêu chất vấn.

Giải trình làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, tồn tại trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự toán thì có nguyên nhân từ cán bộ thực hiện và có “chi phí bôi trơn” trong thực tiễn có thể có tồn tại này, Bộ trưởng thừa nhận. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, quan điểm của Bộ là nếu phát hiện vi phạm phải xử lý hết sức nghiêm túc, kể cả về trách nhiệm dân sự, hành chính, nếu vi phạm nặng sẽ xử lý theo pháp luật về hình sự. Chúng tôi sẽ chỉ đạo thanh tra bộ tiến hành thanh tra một số công trình riêng về chuyên đề này để nhằm phát hiện ra những hạn chế, tồn tại và cán bộ vi phạm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà hứa trước Quốc hội.

Theo chương trình, sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tiếp tục phần trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sẽ tham gia giải trình làm rõ một số vấn đề mà ĐBQH quan tâm.

Tác giả: Hà An

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok