Thế giới

Phụ nữ đào tẩu Triều Tiên "vỡ mộng" với cuộc sống chật vật tại Hàn Quốc

Những người Triều Tiên đào tẩu, đặc biệt là phụ nữ, trốn sang Hàn Quốc với hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng nhiều người trong số họ đã "vỡ mộng" với thực tế "không như là mơ", với những lo âu về cơm, áo, gạo, tiền.

Phụ nữ đào tẩu Triều Tiên vỡ mộng với cuộc sống chật vật tại Hàn Quốc - 1

Người Triều Tiên đào tẩu mang họ Lim (Ảnh: AFP)

Khi Lim đến Hàn Quốc, cô nghĩ rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn với chính bản thân cô và cô con gái nhỏ mà người phụ nữ này mang theo. Lim là một trong 33.000 người Triều Tiên, trong đó phần lớn là phụ nữ, đã đi một quãng đường dài và nguy hiểm để đào tẩu tới Hàn Quốc.

Cuộc sống của Lim thay đổi 180 độ khi cô vừa phải lo miếng cơm, manh áo, vừa phải học tập thích nghi và vừa phải nuôi con nhỏ. “Cuộc sống ở Hàn Quốc trái ngược hoàn toàn với những gì mà tôi kỳ vọng”, Lim nói.

Sau 9 năm tới Hàn Quốc, Lim vẫn đang chật vật kiếm kế sinh nhai và cô là một trong hàng trăm phụ nữ đang trong hoàn cảnh tương tự.

Một ví dụ điển hình cho tình trạng này chính là vụ Han Sung-ok, người phụ nữ Triều Tiên đào tẩu vất vả trong việc vừa phải duy trì sinh kế và vừa phải chăm sóc con trai 6 tuổi bị động kinh. Thi thể của hai mẹ con được tìm thấy trong một căn hộ ở Seoul 2 tháng sau khi họ được cho là đã chết đói.

Thông tin về cái chết của 2 người đã gây nên một cú “sốc” lớn trong dư luận Hàn Quốc tháng trước. Cộng đồng người Triều Tiên đào tẩu tại Hàn Quốc đã kêu gọi chính quyền Seoul có những chương trình hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho những đối tượng dễ bị “tổn thương” này.

“Han đào tẩu khỏi Triều Tiên để không bị chết đói, để rồi cuối cùng lại bị chết đói ở Hàn Quốc”, nhà hoạt động Heo Kwang-il bình luận.

Vòng luẩn quẩn

Phụ nữ đào tẩu Triều Tiên vỡ mộng với cuộc sống chật vật tại Hàn Quốc - 2

Cái chết gây "rúng động" dư luận Hàn Quốc của 2 mẹ con người Triều Tiên đào tẩu (Ảnh: AFP)

Phần lớn những người đào tẩu Triều Tiên thường phải đi qua Trung Quốc, sau đó đi đường vòng để có thể đến được Hàn Quốc.

Là con cả trong nhà, Lim khi 24 tuổi đã quyết định sang Trung Quốc để kiếm kế sinh nhai hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, Lim không may mắn bị lừa và bán cho một người đàn ông Trung Quốc. Cô trở thành vợ trong một cuộc hôn nhân không mong muốn và có con gái với người này.

Lim mô tả cuộc sống với người chồng là “cầm tù”, chính vì vậy sau 4 năm, cô đã quyết định bỏ trốn và đã thành công đến được Hàn Quốc.

Ban đầu, Lim nhận rất nhiều công việc nhưng không một ai giúp cô trông con nhỏ. Một thân, một mình tại quốc gia xa lạ, không có người thân thích, Lim phải tự mình nuôi con dù rất vất vả. Cô thậm chí từng nghĩ về việc tự tử với suy nghĩ tội lỗi rằng mình thật vô dụng khi không lo được cho con hay gửi tiền về gia đình ở Triều Tiên.

Hiện cuộc sống của Lim đã ổn hơn đôi chút khi cô có nghề bồi bàn và cô đã bắt đầu gửi được tiền về gia đình thông qua trung gian.

Cuộc sống ở Hàn Quốc vốn đã không dễ dàng với người Triều Tiên đào tẩu do khác biệt trong gần 70 năm qua kể từ khi 2 bên bán đảo chia cắt sau cuộc chiến tranh năm 1953. Tuy nhiên, với những người mẹ đơn thân, cuộc sống còn khó khăn gấp bội khi họ không có bất cứ ai để nhờ giúp đỡ hay mạng lưới hỗ trợ.

“Khi họ phải chăm con, họ chỉ xin được các công việc bán thời gian, không ổn định. Điều này đẩy họ vào vòng luẩn quẩn khiến họ đối mặt với khó khăn tài chính và nỗ lực để ổn định cuộc sống”, giáo sư Đại học Triều Tiên Kim Sung-kyung nhận định.

“Giấc mơ Hàn Quốc”

Chính phủ Hàn Quốc có chính sách trợ cấp cho người đào tẩu một khoản tiền 8 triệu won (6.600 USD) khi họ mới đến để giúp ổn định cuộc sống. Họ có thể xin trợ cấp nhiều hơn nhưng một vài người đã từ bỏ vì họ cho biết hệ thống hiện tại là quá phức tạp với trình độ kiến thức và tình hình thực tế của họ.

Quay trở lại với trường hợp của cô Han, truyền thông Hàn Quốc nói rằng “người mẹ chết đói” đã bỏ cuộc không xin hỗ trợ vì một quan chức cấp quận yêu cầu Han phải có giấy tờ hợp lệ để chứng minh tình trạng thực tế, loại văn bản mà cô không thể cung cấp.

Lee Na-kyung, một nhà hoạt động xã hội xuất thân từ người đào tẩu cho biết nhiều người Triều Tiên đào tẩu với “giấc mơ Hàn Quốc” nhưng họ cũng nhanh chóng “vỡ mộng” vì những khó khăn phải đối mặt với cuộc sống mới.

Lee sang Hàn Quốc năm 2006 với con và người chồng khuyết tật. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng thành người vô gia cư sau khi dành toàn bộ tiền vào chữa trị bệnh cho người chồng.

Lee coi câu chuyện của bà chỉ là một “ví dụ thành công hiếm hoi” trong hàng chục nghìn người đào tẩu khác khi bà đã vượt lên khó khăn và trở thành nhà hoạt động xã hội.

Ngoài ra, phong cách sống với chủ nghĩa cá nhân hóa ở Hàn Quốc cũng rất khác với Triều Tiên. Điều này khiến nhiều người đào tẩu cảm thấy “không có ai để chuyện trò và bị cắt đứt với bên ngoài”.

“Họ nói là dù ở Triều Tiên có nghèo, nhưng họ chưa bao giờ có cảm giác bị cách ly”, Lee cho biết.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok