Giáo dục

Phổ điểm cao, điểm chuẩn đại học dự kiến tăng 0,5-4 điểm

Nhiều đại học dự kiến điểm chuẩn năm 2020 sẽ tăng từ 0,5 đến 4 điểm, tuỳ thuộc vào từng ngành và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển.

Dự đoán chung về điểm chuẩn năm 2020, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học và Sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, từ những kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 được công bố, có thể thấy phổ điểm năm nay có phân bố hợp lý.

Số liệu thống kê điểm tuyệt đối cũng như số điểm liệt, mức điểm trung bình các môn cho thấy đề thi được điều chỉnh rất hợp lý, đúng định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đề thi có sự phân loại rất tốt để các trường đại học, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội yên tâm chọn được những học sinh giỏi và xuất sắc vào những ngành “nóng”, có sức cạnh tranh cao cũng như những ngành đào tạo tài năng và chất lương cao.

Với phổ điểm của các tổ hợp xét tuyển cơ bản như đã công bố, ông dự kiến mặt bằng chung của điểm trúng tuyển năm nay sẽ tăng từ 2- 4 điểm so với năm ngoái, tùy thuộc vào từng ngành, từng cơ sở đào tạo.

Đại học Kinh tế quốc dân tăng 1- 2 điểm

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân, nói rằng, khả năng điểm chuẩn vào trường năm 2020 sẽ tăng nhẹ, khoảng 1-2 điểm.

Theo ông Triệu, điểm chuẩn vào các trường khác sẽ tăng nhẹ bởi 2 lý do. Thứ nhất, năm nay, phổ điểm thi được dự đoán cao hơn. Thứ hai, các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, chỉ tiêu vào trường cũng sẽ chia ra cho các phương thức xét tuyển này.

Do đó, chỉ tiêu xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm đi và ngược lại, điểm chuẩn theo hình thức xét tuyển điểm thi sẽ tăng lên.

Năm 2019, trường công bố mức điểm trúng tuyển cao nhất là Ngôn ngữ Anh với 33,65 điểm, thấp nhất 21,5 điểm ngành Quản lý công và Chính sách.

Năm 2018, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Kinh tế quốc tế với 24,35. Ngành Kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao thứ 2 với 24,25. Hai ngành cùng có mức điểm chuẩn thấp nhất trường là 20,5 điểm là Quản lý đất đai và Quản lý tài nguyên và môi trường.

Năm 2017, điểm trúng tuyển cao nhất vào trường là 27 với 2 ngành là Kinh tế quốc tế và Kế toán. Điểm trúng tuyển thấp nhất là 2 ngành là Toán ứng dụng trong kinh tế, Quản lý công và chính sách học bằng tiếng Anh với điểm chuẩn là 23,25.

Đại học Công nghệ Thông tin tăng 1-1,5 điểm

TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM dự đoán, phổ điểm chuẩn trúng tuyển vào trường sẽ từ 22 đến 26 điểm. So với năm 2019, điểm chuẩn năm nay có thể tăng từ 1 - 1,5 điểm.

“Năm 2020, có khoảng 21.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, 2, 3 vào trường, trong khi chỉ tiêu chỉ tuyển 1.500 thí sinh. Sở dĩ tôi dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng vì đề thi năm nay được nhận định là “dễ thở”, đa phần thí sinh làm bài tốt. Tuy vậy, đề cũng có mức độ phân hoá rất cao, thí sinh sẽ dễ lấy 7 điểm nhưng từ 8 điểm trở lên thì khó, điểm 9,10 sẽ dành cho thí sinh có học lực giỏi”, ông Khang nói.

Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Thông tin cho biết thêm, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM (một phương thức xét tuyển vào trường) đã dời lịch thi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tỉ lệ thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào trường sẽ có biến động so với năm ngoái.

Những năm trước đó, điểm chuẩn vào trường Đại học Công nghệ Thông tin dao động hằng năm từ 20 đến 25,5 điểm. Năm 2019, ngành Kỹ thuật Phần mềm có mức điểm chuẩn cao nhất là 25,3 điểm.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh: N.A)

Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tăng 0,5- 1 điểm

Trả lời báo chí, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, dự đoán điểm chuẩn của các ngành sẽ nhỉnh hơn 0,5-1 điểm so với ngưỡng nhận hồ sơ.

Trong đó, ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo lấy điểm sàn 26,5 điểm. Nhóm ngành Ôtô, Công nghệ Thông tin, Logistics, Kinh doanh Quốc tế, Sư phạm tiếng Anh có điểm nhận hồ sơ là 24,5.

Nhóm ngành Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Điện - điện tử, Cơ điện tử, Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ Chế tạo máy, Công nghệ Thực phẩm, Công nghệ Kỹ thuật Hoá học, Quản lý công nghiệp, Thương mại điện tử, Quản trị Nhà hàng, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ kỹ thuật Máy tính lấy điểm sàn 23,5.

Các ngành Kỹ thuật Dữ liệu, Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng, Công nghệ May, Điện tử Viễn thông, Kỹ thuật Y sinh, Hệ thống nhúng &IoT, Thiết kế Thời trang, Kiến trúc, Thiết kế Đồ họa, Năng lượng Tái tạo, Công nghệ Kỹ thuật nhiệt, Kỹ thuật Công nghiệp, Kế toán nhận hồ sơ xét tuyển từ 22,5 điểm.

Các ngành Công nghệ In, Quản lý Xây dựng, Kỹ nghệ gỗ, Thiết kế Nội thất, Hệ thống Kỹ thuật công trình xây dựng, Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông, Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Công nghệ Vật liệu có điểm sàn xét tuyển là 21,5.

Với các ngành thuộc chương trình đào tạo chất lượng cao tiếng Việt, điểm sàn sẽ thấp hơn chương trình đại trà từ 0,5-1 điểm. Các ngành thuộc chương trình chất lượng cao tiếng Anh sẽ thấp hơn đại trà 1-2 điểm. Ngoài ra, các ngành liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học của Mỹ, Anh, Hàn Quốc đều nhận hồ sơ xét tuyển từ 16 điểm.

Các trường tăng 0,5- 3 điểm

Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, dự đoán điểm trúng tuyển dự kiến tăng 1,5-3 điểm tùy số lượng thí sinh đăng ký vào từng ngành.

Trong khi đó, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, thông tin số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường cùng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay tương đương năm ngoái.

Do điểm thi năm 2020 tăng so với 2019, ông dự đoán điểm chuẩn của các ngành tăng lên 0,5-1 điểm. Một số ngành có lượng hồ sơ lớn có thể tăng nhiều hơn.

Tác giả: Hà Cường

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok