Trong tỉnh

Phát triển sản phẩm du lịch có thế mạnh ở xứ Thanh

UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ dành 27,9 tỷ đồng để thực hiện Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa năm 2017 nhằm phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng và sản phẩm du lịch có thế mạnh.

Khách du lịch tham quan hang Con Moong (huyện Thạch Thành). Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa ưu tiên các đề án, dự án quan trọng, triển khai hiệu quả, khả thi, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành tạo bước chuyển đổi đột phá trong phát triển du lịch.

Số tiền này sẽ được dành để đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi tuyến du lịch đường sông và cơ sở vật chất kỹ thuật tại khu du lịch Hải Hòa và Lam Kinh; khu du lịch cộng đồng tại bản Năng Cát (huyện Lang Chánh); khu du lịch cộng đồng tại các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Như Thanh...

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các khu vệ sinh đạt tiêu chuẩn tại các khu, điểm du lịch trong tuyến du lịch trọng điểm gồm: khu du lịch biển Quảng Xương, đền Tam Tổng (huyện Vĩnh Lộc), khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), đền Lê, khu Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa), đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn), hang Con Moong (huyện Thạch Thành), thác Đồng Quan (huyện Như Xuân), bản Kho Phường (huyện Bá Thước).

Ngoài ra, Thanh Hóa sẽ đầu tư lắp dựng biển chỉ dẫn đến các địa điểm tham quan du lịch, mua sắm, làng nghề; xây dựng hệ thống bảng giới thiệu về di tích, danh thắng tại khu du lịch trọng điểm của tỉnh…; thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch khác.

Trong chương trình phát triển du lịch từ nay đến năm 2020, Thanh Hóa tập trung vào một số sản phẩm chính như: du lịch nghỉ dưỡng - tắm biển; du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề; du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, mua sắm, công vụ; du lịch đường sông.

Thành nhà Hồ được xây dựng cách đây khoảng 600 năm, thuộc địa bàn huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa), được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2011. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Hiện Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử văn hóa; có nhiều cụm di tích có ý nghĩa lịch sử cũng như nghệ thuật, kiến trúc như Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, di tích Phủ Trịnh... và độc đáo hơn cả là Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Ngoài ra, Thanh Hóa còn có hệ thống văn hóa phi vật thể đa dạng với 210 lễ hội truyền thống, tôn giáo tín ngưỡng; nhiều món ăn đặc sản và nhiều làng nghề độc đáo... Thanh Hóa dự kiến đến năm 2020 sẽ đón trên 11.200.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 20.500 tỷ đồng.

Tác giả: Hoa Mai

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok