Giáo dục

Phát giấy khen cho cả lớp, nhói lòng thầy cô

Áp lực thành tích khiến trẻ bị thúc ép học hành. Các em học không phải vì tương lai của mình mà cho ước mơ, khát vọng của bố mẹ, thầy cô.

Câu chuyện "cả lớp nhận được giấy khen, mình em lẻ loi" được dư luận quan tâm thời gian qua một lần nữa lật mở căn bệnh thành tích trong giáo dục nhiều người đang ca thán. Bức ảnh chỉ là “giọt nước tràn ly” trước thực trạng giấy khen đang ngày càng “trượt giá”.

Thế hệ 8X chúng tôi đã nỗ lực hết sức để có giấy khen mỗi dịp cuối năm học. Số bạn có tên trong danh sách học sinh giỏi và tiên tiến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trò được giấy khen, dẫu chỉ là tiên tiến đã đủ ấm lòng mẹ cha.

Giấy khen đề "Danh hiệu học sinh khen từng mặt" nhận được phản hồi trái chiều từ phía phụ huynh năm 2016.

Hiện tại giấy khen phát đại trà cho phần lớn trẻ tiểu học. Thỉnh thoảng trong lớp có một vài bạn chưa đạt yêu cầu môn học nào đó, thèm thuồng nhìn người được khen. Vì độ phổ biến nên giá trị của giấy khen phai nhạt trong lòng người nhận.

Trẻ học giỏi, có chút thành tích tiến bộ sẽ được nhận giấy khen. Không ít bố mẹ thẳng thắn nhìn nhận trẻ chưa thật sự xứng đáng với dòng chữ hoa mĩ “Có tiến bộ vượt bậc trong môn Toán và Tiếng Việt”, “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học”.

Thành tích đang được thổi phồng đến mức có bà mẹ kể chuyện con trai tiểu học nằm mơ thấy mình bị điểm 8 và sợ ở lại lớp. Điểm 8 và thậm chí là điểm 9 đang bị “chê” ở cấp học này là điều quá kinh khủng. Việc khen thưởng ở cấp hai, ba đang có xu hướng quá nhiều loại khá, giỏi.

Bệnh thành tích như cơn sóng ngầm âm ỉ chảy trong môi trường giáo dục khiến nhiều người trăn trở, búc xúc. Bộ GD&ĐT ra công văn yêu cầu nghiêm túc thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Không ít giáo viên, phụ huynh bèn tặc lưỡi ca thán: “Chống bệnh thành tích, khó lắm thay, nặng quá rồi”.

Tôi còn nhớ cuộc vận động “Hai không” này được phát động từ năm học 2006-2007 tạo ra một bước đột phá mạnh mẽ trong việc chấn chỉnh kỷ cương, nề nếp dạy học. Chúng ta chưa quên một kỳ thi tốt nghiệp, bổ túc THPT 2007 với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT nhiều tỉnh thành giảm đột ngột. Mặc dù chất lượng của ngành giáo dục thấp nhưng luồng gió mới thổi lên niềm hy vọng về những thay đổi tích cực trong giáo dục nước nhà.

Theo thời gian, những con số “leo thang” đến sát đỉnh. Mỗi năm bản báo cáo thành tích cấp cơ sở có những con số đẹp lung linh. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cao ngất ngưỡng, chất lượng hai mặt văn hóa và hạnh kiểm năm nào cũng vượt ngưỡng năm trước. Học sinh tiểu học “bội thực” điểm 10. Học sinh trung học lên lớp đều đều với thành tích đáng nể.

Quay quắt với căn bệnh thành tích, nhiều nhà giáo mạnh dạn nói về “vòng kim cô” siết chặt thầy trò. Đó là các con số, chỉ tiêu mỗi người thầy, nhà trường phải đăng ký trong năm học. Điều đặc biệt, chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước, cấp dưới phải đạt hoặc vượt mốc cấp trên đưa ra.

Giáo viên bấm bụng đăng ký chỉ tiêu rồi loay hoay hoàn thành. Cuối kỳ, cuối năm nếu người thầy không đạt thành tích đã đề ra phải giải trình, chịu trách nhiệm, hạ thi đua… Điều này khiến không ít thầy cô buộc phải xoay đủ mọi giải pháp để đạt chất lượng. Bệnh thành tích nảy sinh từ đây.

Áp lực thành tích đang khiến trẻ bị thúc ép học hành. Trẻ khi đó học không phải vì tương lai mà cho ước mơ, khát vọng của bố mẹ, thầy cô. Học sinh khi không đạt mục tiêu như người lớn mong muốn, nhiều em đã chọn giải pháp… buông xuôi.

Dịp cuối năm, giấy khen được phát nườm nượp, biết đâu rằng lòng người thầy nhói nỗi niềm về bệnh thành tích.

Tác giả: Độc giả Trang Hiếu

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok