Cuộc sống

Nuông chiều con thái quá, dễ biến con thành đứa trẻ vô ơn

Nếu nuông chiều con mù quáng thì cha mẹ đã tước mất những cơ hội trưởng thành, còn tạo nên những con người ích kỷ, chỉ biết được cung phụng, hưởng thụ. Bài học dạy con của hai bà mẹ đơn thân dưới đây sẽ giúp bạn cách bày tỏ sự yêu thương và rèn luyện con trở thành người bản lĩnh, sống có trách nhiệm.

Cha mẹ không nên đặt gánh nặng trách nhiệm lên vai con. Ảnh minh họa

Cha mẹ cần hiện hữu bên con

Chị Bùi Minh Tú (ở Viện Khoa học Tâm thức Kim tự tháp - Học viện Tâm thức PASS Việt Nam) chia sẻ, chị từng gặp một số phụ huynh mất con vì trẻ tuyệt vọng, tự tử… khiến bố mẹ đau khổ.

Chính vì thế, mỗi ngày, chị Minh Tú dành 10 phút để nói với con về ý nghĩa con có mặt ở đây cùng với mẹ. Nhờ con mà chị ý thức mỗi ngày học thật nhiều để hoàn thành vai trò làm mẹ. Chị nói, “con hãy cảm thông những lần má "đét đít" con vì sự bất lực và hạn chế của má. Má hoàn thiện mình hơn mỗi ngày nhờ có các con”.

Với chị Minh Tú, làm cha mẹ có nhiệm vụ là dạy dỗ con nên người. Nhưng con cái là những người thầy tuyệt vời để dạy cha mẹ sự Yêu thương - Biết ơn - Cảm thông: “Con dạy ta biết hát ru, thay tã, làm thức ăn dặm, kiên nhẫn tập từng bước đi, từ bỏ thói quen xấu, biết bỏ qua những lỗi lầm, biết có ước mơ và nuôi dưỡng ước mơ… Con cái dạy chúng ta làm Người một cách ngọt ngào nhất”, chị Tú chia sẻ.

Cũng theo chị Minh Tú, quan trọng hơn cả là cha mẹ cần luôn hiện hữu bên con, cảm nhận mọi thứ quanh con mà không phán xét, sống thật không vỏ bọc, không ganh tị, không so sánh… để con kết nối với cha mẹ dễ dàng.

“Sự hiện hữu của cha mẹ không phải ai cũng biết và làm tốt. Ví như, cha mẹ sáng đi sớm, tối về muộn, mỗi ngày chỉ có 1 giờ với con, thì sự hiện hữu của cha mẹ chỉ như cái bóng. Hoặc cha mẹ bên con, nhưng liên tục làm việc nhà, ôm điện thoại, càu nhàu vì sự bề bộn.... thì đó không phải là sự hiện hữu. Hay cha mẹ ở bể bơi, nhưng lại nhìn sang bé khác xem hơn con mình cái gì – thì cha mẹ ở bên con như thế cũng không hiện hữu, bởi con cái không cảm nhận được tình yêu của bố mẹ trọn vẹn...

Không đặt trách nhiệm lên vai con

Chị Đoàn Thu Thủy, bà chủ nhà hàng Bếp nhà Lục Tỉnh (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, nhiều người nghĩ rằng, sinh con ra để sau này con phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, nhang khói khi cha mẹ qua đời... Nhưng với chị, một đứa con đến với cuộc đời này là nhân duyên, là báu vật được ban tặng. Chị không đặt bất cứ gánh nặng trách nhiệm nào lên đôi vai bé nhỏ của con, cũng không mong con trả hiếu nuôi dưỡng lúc tuổi già. Mà chỉ mong nuôi dưỡng, dạy bảo con nên người, mong con sống tử tế, có trách nhiệm với bản thân và xã hội... Vậy là đủ.

Khi chị già, con đã trưởng thành, chị sẽ chuẩn bị hành trang để sống những tháng ngày đẹp đẽ nhất của cuộc đời, sống chậm lại, đọc sách, viết truyện, hay học vẽ, học đàn... Học những thứ mà lúc trẻ không có cơ hội học. Khi già nữa, không còn tự chăm sóc cho bản thân mình được nữa thì sẽ chọn một viện dưỡng lão tốt, đủ tiện nghi vào đó để có người chăm sóc, vui với các bạn già... Và khi qua đời, chị muốn con rải tro ra biển – để thân cát bụi lại trở về cát bụi. Chị không muốn con mỗi năm phải có trách nhiệm viếng mộ, hay lên chùa thăm hũ tro cốt vô tri vô giác.

Chị Thủy quan niệm, gia tài để lại cho con là kiến thức, là những giá trị tinh thần chứ không phải vật chất. Tình yêu con cái là tình yêu vô điều kiện, yêu thương không cần báo đáp. Và khi yêu con, mình sẽ nghĩ cho con, chứ không còn nghĩ cho bản thân mình nữa.

Đã có những cha mẹ lo cho con cái không thiếu thứ gì, lớn lên con lại đối xử với cha mẹ bằng hành động không đẹp như còn đuổi cha mẹ già ra khỏi căn nhà cuối cùng, đánh đập, chửi bới cha mẹ… Và người đời cho đó là nhân quả vay/trả, do sự giáo dục sai lầm của cha mẹ mà ra. Nhưng với các nhà tâm lý giáo dục, đó là do nuông chiều con mù quáng nên cha mẹ đã tước mất những cơ hội trưởng thành, còn tạo nên những con người ích kỷ, chỉ biết được cung phụng, hưởng thụ - chứ không biết phục vụ và yêu thương cha mẹ mình. Chính sự nuông chiều của cha mẹ đã tạo nên những đứa con không biết ơn.

Chị Thủy kể, con trai chị từ một cậu bé bụ bẫm đáng yêu trên tay mẹ, giờ đã thành một cậu bé độc lập hoàn toàn. Bởi khi còn nhỏ mỗi khi con ngã chị không chạy lại đỡ, bởi chị dạy con bài học “khi vấp ngã phải tự biết đứng lên”. Vài lần đầu con còn khóc lóc, nhưng nhiều lần sau con đã biết phủi tay tự đứng dậy. Chị hiểu sau này khi gặp bất cứ trở ngại nào, con trai cũng sẽ vượt qua.

Khi con đòi một món đồ chơi mà mẹ không đồng ý đã lăn ra gào khóc thảm thiết. Có lần con lăn xoải ra, đập đầu xuống đất… chị đều bỏ đi, cũng không cho ai can thiệp để dạy cho con bài học: “Không phải đòi hỏi nào cũng được đáp ứng”. Con dần hiểu rằng làm như thế đau bản thân mình, và đã dần biết nói: "Con thích cái này", thay vì "Con muốn cái này". Con đã biết vui vẻ nghe lời từ chối, và mẹ vui bởi biết con đã học xong “bài học biết chấp nhận thực tế”. Con chị đầy cá tính, thích khám phá,thích tìm tòi học hỏi nhưng lại rất nóng tính và bảo thủ... vì thế chị dạy con nhiều bài học, nhiều thử thách phải vượt qua để thành Người.

Chị Thủy đã cùng con đi thiện nguyện để dạy con lòng trắc ẩn, dạy con nấu ăn để biết tự mình làm một bữa ăn ngon, đi học Aikido để con biết kiềm chế và mạnh mẽ… Và dần dần chị buông tay để con tự bước vào đời. Con chị sẽ là một chàng trai đầy bản lĩnh và nhiều tình cảm. Và giờ đây, khi con đang tự tay làm chiếc bánh sinh nhật cho mình, thì chị tự hào và muốn nói với con một điều: Mẹ yêu con vô cùng, con trai ạ!

Những đứa trẻ được giáo dục thế nào sẽ hình thành tính cách như thế đó. Tuỳ nếp nhà, tuỳ sự dạy dỗ của gia đình mà ra.

Tác giả: Uyển Hương

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok