Kinh tế

Nữ đại gia bí ẩn mất ghế, xuất hiện nhân vật quyền lực mới ở Eximbank

Sóng ngầm kéo dài tại Ngân hàng Eximbank có dấu hiệu sắp kết thúc khi nữ đại gia bí ẩn bị đòi ghế nóng. Sau gần nửa thập kỷ, cuộc chiến giữa các nhóm cổ đông tại một ngân hàng khá nổi tiếng có thể sắp kết thúc.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa thông báo dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào sáng 21/6 tại TP.HCM sau 2 lần bất thành vì những biến động về nhân sự trong một thời gian ngắn.

ĐHĐCĐ thường niên 2019 được Eximbank được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 26/4 nhưng không đủ 65% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Ngân hàng sau đó tiếp tục hoãn họp lần thứ 2 vào ngày 26/5 do cần thêm thời gian để hoàn thiện kỹ lưỡng công tác tổ chức họp được đồng nhất và thành công.

ĐHĐCĐ lần này diễn ra trong bối cảnh hôm 22/5, Eximbank đã ban hành nghị quyết về việc bầu ông Cao Xuân Ninh, Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Ông Cao Xuân Ninh (1962) được bầu làm chủ tịch Eximbank thay cho 2 nhân vật đối đầu trong một cuộc chiến tranh giành chiếc ghế cao nhất tại ngân hàng này trong suốt 2 tháng trước đó: ông Lê Quốc Minh và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Nữ đại gia bí ẩn mất ghế, xuất hiện nhân vật quyền lực mới ở Eximbank

Ông Cao Xuân Ninh làm chủ tịch Eximbank thay cho ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank đã kéo dài trong nhiều năm qua, nhất là sau khi ông Lê Hùng Dũng nghỉ hưu năm 2015 nhưng bắt đầu trở nên phức tạp hơn bao giờ hết kể từ sau ngày 22/3/2019, thời điểm 7 thành viên HĐQT Eximbank đã họp và bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là bà Lương Thị Cẩm Tú thay cho ông Lê Minh Quốc.

Bà Lương Thị Cẩm Tú được biết đến là một gương mặt đại diện của NamABank. Bà Tú (1980) từng là TGĐ Ngân hàng Nam Á (NamABank) của cố doanh nhân Tư Hường. Bà Tú vào HĐQT Eximbank tháng 4/2018 tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của nhà băng này.

Tuy nhiên, chủ tịch bị bãi miễn Lê Minh Quốc sau đó đã đòi lại ghế nóng quyền lực. Eximbank đã có nghị quyết hủy bỏ Nghị quyết 112 ban hành hôm 22/3 về việc bãi nhiệm ông Lê Minh Quốc và bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú vào vị trí chủ tịch Eximbank.

Với sự xuất hiện của ông Cao Xuân Ninh ở vị trí chủ tịch Eximbank, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng ngân hàng này sẽ bước vào một thời kỳ ổn định hơn.

Ông Cao Xuân Ninh trước từng làm việc tại Ngân hàng Vietcombank. Đầu 2016, ông Ninh có đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 với lý do cá nhân nhưng ĐHCĐ khi đó không được tổ chức do NHNN chỉ đạo Eximbank kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của các nhóm cổ đông... Đó đó vấn đề từ nhiệm của ông Ninh đã bị dừng lại.

Thời gian gần đây, cổ phiếu EIB của Eximbank diễn biến trầm lắng theo thị trường chung. Tuy nhiên, so với 4 tháng trước đấy, cổ phiếu EIB đã có một bước tiến đang kể, từ mức 14.000 đồng/cp lên gần 18.000 đồng/cp như hiện tại.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có tốc độ bứt phá khá tốt trong quý 1 với nhiều mã tăng từ 15-25% nhờ kết quả kinh doanh tốt và giới đầu tư đặt kỳ vọng vào tiềm năng của nhóm cổ phiếu này với những diễn tăng trưởng về dịch vụ gắn liền với công nghệ.

Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động của nhiều ngân hàng được cải thiện mạnh trong năm 2018 và quý 1 đầu 2019. Áp lực về nợ xấu giảm nhẹ sau nhiều năm các ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu... cũng là yếu tố góp phần giúp nhóm này khởi sắc.

Tuy nhiên, triển vọng trước mắt đối với nhóm này vẫn được đánh giá không còn được tươi sáng như trong năm trước do tín dụng bị kiểm soát chặt chẽ và nhóm này cũng đã trải qua một thời gian tăng trưởng mạnh khá dài.

Cổ phiếu ngân hàng cũng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng pha loãng khi các ngân hàng vẫn đang trong cuộc đua tăng vốn để đảm bảo các yêu cầu về hội nhập và cạnh tranh.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản tiếp tục mất hút. Áp lực bán mạnh trên diện rộng đã khiến Vn-Index tụt giảm, thủng mốc 960 điểm. Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh theo đà giảm giá dầu trên thế giới. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu trụ cột cũng giảm sâu.

Nhiều mã cổ phiếu blue-chips giảm mạnh như: Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail, Vietcombank, Techcombank, HDBank, VPBank, BIDV, Bảo Việt, Thế Giới Di Động,...

Một số cổ phiếu trụ cột tăng điểm hiếm hoi gồm: Masan, Sabeco, VietJet, Hòa Phát...

Điểm tích cực duy nhất trên thị trường là khối ngoại hoạt động khá sôi động khi mua ròng hơn 200 tỷ đồng.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Chứng khoán Rồng Việt, xu hướng ngắn hạn đang trở nên rất rủi ro sau khi mức độ giảm điểm đột ngột gia tăng và áp lực bán lớn xuất hiện trên diện rộng. Các cổ phiếu “nóng” đồng loạt bị chốt lời một cách mạnh mẽ.

Trong khi đó, theo SHS thị trường sẽ có thể hồi phục kỹ thuật nếu như không có thông tin nào quá tiêu cực diễn ra. Nhà đầu tư hạn chế bắt đáy trong giai đoạn này và có thể căn những nhịp điều chỉnh để hạ tỷ trọng cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/5, VN-Index giảm 9,46 điểm xuống 959,88 điểm; HNX-Index giảm 0,97 điểm xuống 104,35 điểm và Upcom-Index tăng 0,08 điểm lên 55,13 điểm. Thanh khoản đạt 170 triệu đơn vị, trị giá 3,7 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Minh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok