Thế giới

Nội các TT Trump dự kiến ra đi hàng loạt sau bầu cử giữa kỳ

Sau hai năm với rất nhiều thay đổi nhân sự, Tổng thống Donald Trump đứng trước nguy cơ phải đón nhận thêm nhiều lá đơn nghỉ việc sau bầu cử giữa kỳ.

Cuộc điều tra của Politico, sau nhiều cuộc phỏng vấn với các quan chức và cựu quan chức cùng đảng viên Cộng hòa thân cận với Nhà Trắng, cho thấy một cuộc ra đi lớn nữa sắp diễn ra sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 6/11.

Với tổng thống đã sa thải hoặc điều chuyển đến 8 quan chức trong nội các, cuộc ra đi sắp tới sẽ biến nội các của ông trở thành nội các biến động nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại.

Thậm chí với một nội các không thiếu xáo trộn từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, cuộc ra đi được dự báo vẫn gây ra biến động lớn, có thể tạo ra sự hoang mang trong các bộ, cơ quan, kéo theo những cuộc tranh cãi khốc liệt trong Thượng viện, nơi sẽ phê chuẩn các vị trí mới.

Những cuộc ra đi từ ngọt ngào đến cay đắng

Đứng đầu trong danh sách người sắp nghỉ này là một cái tên chắc chắn sẽ ra đi, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, người thông báo rằng bà sẽ rời nhiệm sở vào cuối năm nay và hiện chưa có người thay thế.

Ông Trump cũng được cho là sẽ thay thế Tổng chưởng lý Jeff Sessions, người ông đã chỉ trích nhiều tháng qua. Các nguồn tin từ chính quyền nói Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen - người thân cận với Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly - cũng sẽ ra đi.

Đại sứ Mỹ Nikki Haley là một trong những người ra đi trong những lời tán dương của tổng thống. Ảnh: Reuters.

Các đồng minh của tổng thống nói rằng ông sẽ tập trung vào những ứng viên tiềm năng có thể mang lại lợi ích chính trị cho ông trong khi lựa chọn người thay thế.

"Tổng thống tìm kiếm những người thể hiện tốt hơn - và tất cả quyết định được ra dựa trên bối cảnh là chiến dịch tái tranh cử", Politico dẫn lời một người Cộng hòa thân cận với Nhà Trắng. "Trump muốn đội hình A mạnh nhất có thể để bước vào cuộc đua 2020".

Phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối bình luận, chỉ nói rằng chính quyền đang tập trung vào cuộc bầu cử.

Với các chính quyền, bầu cử giữa kỳ thường là giai đoạn tự nhiên để các quan chức trong nội các rời đi. Động lực ra đi sẽ lớn hơn nếu những người Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, cho phép họ giám sát các ủy ban và buộc các quan chức phải ra trả lời trước Quốc hội, trong các phiên điều trần được phát trên truyền hình.

Thế nhưng, trái với những chính quyền khác, nội các của Tổng thống Trump trong 21 tháng qua đã đầy những vụ ra đi, quan chức nội các bất đồng với người của Nhà Trắng cùng những câu hỏi về đạo đức trong hành vi của quan chức.

Những vị trí phải thay đổi bao gồm ngoại trưởng, người đứng đầu cơ quan bảo vệ môi trường, bộ trưởng Y tế, bộ trưởng về vấn đề Cựu binh và một chánh văn phòng Nhà Trắng. Trong khi đó, cựu giám đốc CIA Mike Pompeo và cựu bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly được đưa vào vị trí mới, lần lượt là ngoại trưởng và chánh văn phòng Nhà Trắng.

Không những vậy, trông rất nhiều trường hợp, sự ra đi của một quan chức thường diễn ra ồn ào và phô bày trước công chúng.

Điển hình kinh điển nhất là vụ sa thải cựu ngoại trưởng Rex Tillerson, người biết tin mình bị sa thải thông qua một dòng "tweet" vào một ngày thứ ba bất chợt, dù là sau nhiều tháng ngoại trưởng mâu thuẫn với con rể, cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner và niềm tin giảm sút trong Bộ Ngoại giao.

Ngoại trưởng Tillerson ra đi bằng cách kịch tính nhất - bị sa thải trên Twitter - sau nhiều tháng bất đồng với tổng thống. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, không lâu sau khi bị sa thải, cựu bộ trưởng Cựu binh David Shulkin viết trên New York Times rằng cơ quan cũ của ông đã "dính vào một cuộc đua quyền lực trần trụi với một số vị trí, được bổ nhiệm một cách chính trị, đã chọn cách thúc đẩy chương trình nghị sự của họ thay vì những gì tốt nhất cho các cựu binh".

Đại sứ Haley là một trong số những người ra đi theo sự lựa chọn của chính bà và công khai tuyên bố sẽ ủng hộ tổng thống trong cuộc đua 2020. Bà Haley được xem là một ứng viên tổng thống trong tương lai.

Nhiều quan chức cũng đoán rằng ông Sessions, người mà tổng thống đã công khai chỉ trích nhiều tháng qua, có thể là người đầu tiên phải ra đi (có thể còn bị sa thải qua "tweet"). Theo một nhân vật đảng Cộng hòa thân thuộc với Nhà Trắng, người để nhắm để thay thế là John Ratcliffee, thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện.

Trong khi đó, 2 nguồn tin thân cận cũng nói rằng Bộ trưởng Mattis sẽ chọn cách từ chức. Tổng thống Trump, trong một chương trình truyền hình, có vẻ đã lường trước được việc này khi nói rằng ông Mattis "trông giống như một người Dân chủ".

"Ý tôi là, đến lúc nào đó, tất cả mọi người phải ra đi. Tất cả. Người ta đi. Washington là thế mà", ông nói trong cuộc phỏng vấn đó.

Lời đồn đoán đã râm ran trong các nhân viên Nhà Trắng nhiều tháng qua về việc tổng thống có sa thải Bộ trưởng Thương mại Ross hay không, sau khi Trump có vẻ không đánh giá cao năng lực đàm phán các thỏa thuận thương mại của ông. Tổng thống từ gọi bộ trưởng Thương mại là "đã qua đỉnh cao" và "không phải sát thủ" trong các cuộc họp ở Phòng Bầu dục.

Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Nội địa được cho đã khiến tổng thống phát điên vì không thể kiểm soát được số người nhập cư luôn tìm cách vượt biên giới vào Mỹ. Nếu ông Kelly rời vị trí chánh văn phòng Nhà Trắng, Nielsen, đồng minh thân cận của ông, có lẽ cũng sẽ ra đi.

Người được đồn đoán sắp ra đi là Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Ảnh: Reuters.

Trong hai năm đầu nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump đã chứng kiến tỷ lệ ra đi cao hơn hẳn cùng kỳ nội các của các Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama, theo bản theo dõi nội các của Viện Brookings.

"Để các vị trí được thẩm tra và phê chuẩn không phải là điều dễ dàng, dù đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện", Politico dẫn lời Chris Lu, thư ký phụ trách nội các trong Nhà Trắng vào nhiệm kỳ đầu của Obama. "Có thể phải đến năm 2019 tổng thống mới có một nội các hoàn chỉnh trở lại và vận hành đúng tốc độ để thi hành chương trình nghị sự của ông ấy".

Quan hệ trắc trở Nhà Trắng - nội các

Trong 2 năm qua, các nhân viên Nhà Trắng đã luôn bực bội với một nội các "không thể kiểm soát được". Trong khi các quan chức nội các thường nhanh nhẹn trong việc bày tỏ lòng trung thành với tổng thống ở các cuộc gặp riêng, một số cộng sự tổng thống than phiền rằng các quan chức không hứng thú gì việc xúc tiến chương trình nghị sự của tổng thống. Họ cũng không lắng nghe lời khuyên hay sự giúp đỡ từ các nhân viên báo chí và truyền thông của Nhà Trắng khi chuẩn bị cho các cuộc điều trân khó khăn hoặc các cuộc phỏng vấn.

Để hướng đến cuộc chạy đua tái tranh cử 2020, ông Trump cần đảm bảo nội các phải là những "tài sản chính trị", không phải những dòng chữ đầy xấu hổ trên trang nhất các báo.

Các nhân viên Nhà Trắng đã tiến hành nhiều khóa hướng dẫn về các quy chuẩn đạo đức cho thành viên nội các, chủ yếu là sau những vụ bê bối của các quan chức trước đó.

"Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của bề ngoài", một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền nói, ám chỉ một số thành viên nội các sử dụng đội bảo vệ riêng hoặc bay máy bay hạng nhất.

Chánh văn phòng John Kelly được cho là người phải đứng ra nói chuyện riêng với một số bộ trưởng nhằm đảm bảo bộ của họ không xuất hiện trên mặt báo với những dòng tít tiêu cực, giảm bớt nỗi lo cho tổng thống.

Nội các của tổng thống hai năm đầu nhiệm kỳ vốn không thiếu biến động và ồn ào. Ảnh: Reuters.

Bất chấp những vụ ồn ào, những người thân cận với Nhà Trắng vẫn cho rằng các vị trí trong nội các tiếp tục là mục tiêu hấp dẫn đối với nhiều thành viên quốc hội, lãnh đạo doanh nghiệp và người tài trợ đảng Cộng hòa.

Dù vậy, cũng không dễ để tổng thống tìm được những tài năng đích thực cho các vị trí này, sau hàng loạt những vụ bê bối làm tổn hịa uy tín chính quyền và cả sự khó khăn của quá trình phê chuẩn tại Thượng viện, đặc biệt nếu cuộc bầu cử vào ngày 6/11 cho những người Dân chủ thêm một số ghế.

Tác giả: Vy Xuân

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok